Thứ sáu, 29/03/2024 22:52 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/05/2021 07:10 (GMT+7)

Làm rõ việc 7.800 doanh nghiệp phản ánh ‘mắc cạn’ về quản lý thuế?

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Thuế cho biết việc xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay không phải là quy định mới gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quản lý thuế.

Ngày 28/5, Tổng cục Thế chính thức có thông tin làm rõ quy định về xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay trong quản lý thuế.

Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên có phản ảnh quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và khiến khoảng 7.800 doanh nghiệp trong tỉnh đang bị “mắc cạn.”

Làm rõ việc 7.800 doanh nghiệp phản ánh ‘mắc cạn’ về quản lý thuế? - Ảnh 1
7800 Doanh nghiệp đang “mắc cạn” bởi quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết… “mới

Làm rõ nội dung trên, Tổng cục Thuế cho hay Thông tư số 66/2010/TT-BTC có quy định: Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Bên cạnh đó, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP cũng quy định: Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Do đó, Tổng cục Thuế cho biết đây không phải là quy định mới gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay như Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đề cập.

Tổng cục Thuế cũng khẳng định khi xác định hai doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết thì giao dịch phát sinh giữa các bên là giao dịch liên kết và phải thực hiện kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định. Mặt khác, nếu doanh nghiệp có giao dịch liên kết chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP) và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho hay do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu hoạt động bằng việc vay vốn ngân hàng với mức vốn vay lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên nhiều doanh nghiệp được xác định có mối quan hệ liên kết với doanh nghiệp là các ngân hàng khi vay vượt 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, trong qua thực tế triển khai nhiệm vụ, Tổng cục Thuế cũng nhận được một số văn bản hỏi của các Cục Thuế về việc xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay trong đó có xác định mối quan hệ liên kết vay giữa doanh nghiệp với ngân hàng với mức vốn vay trên 25% vốn chủ sở hữu. Trong đó, giao dịch xác định chi phí lãi vay với ngân hàng theo nguyên tắc giao dịch độc lập không phải là vướng mắc của doanh nghiệp mà vấn đề là ở việc khi xác định có quan hệ liên kết theo vốn vay với ngân hàng, doanh nghiệp và ngân hàng phát sinh giao dịch sẽ được xác định là giao dịch liên kết, chi phí lãi vay được trừ của doanh nghiệp sẽ áp dụng khống chế theo quy định của Nghị định.

Theo đó, Tổng cục Thuế ghi nhận việc xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay với đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nghiên cứu (có thể nâng mức cao hơn-không giữ ở 25% như hiện tại) để phù hợp hơn với đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu bằng vốn vay. Song, việc nghiên cứu này cũng cần phải cân nhắc thêm do Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp: “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng ‘vốn mỏng’, chuyển giá, đầu tư ‘chui’, đầu tư ‘núp bóng’.”

Về vấn đề trên, Tổng cục Thuế cho biết đã có buổi trao đổi giữa với các chuyên gia Dự án RARS (Dự án Hỗ trợ hiện đại hoá hệ thống thuế) về vấn đề vốn mỏng có nên áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hay không.

Và, các chuyên gia Dự án RARS đã khuyến nghị, "tại Việt Nam, các doanh nghiệp thường vay nhiều, “mức thị trường” không phải là vay gấp 3-4 lần vốn chủ sở hữu mà có thể có thể tới 7-8 lần. Do đó, Việt Nam cần cân nhắc khi đưa ra quy định về vốn mỏng áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp”.

Hạnh Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Làm rõ việc 7.800 doanh nghiệp phản ánh ‘mắc cạn’ về quản lý thuế?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bộ NN&PTNT muốn thí điểm bán đấu giá 5,9 triệu tấn carbon còn dư
Ngân hàng Thế giới (WB) đã có công thư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đề nghị mua bổ sung 1 triệu tấn tín chỉ carbon với mức giá 5 USD/tấn (mức giá tự nguyện). Số còn lại Bộ muốn thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.