Thứ sáu, 26/04/2024 15:53 (GMT+7)
Thứ tư, 19/06/2019 16:42 (GMT+7)

Làm gì khi tắm biển bị mẩn ngứa?

Theo dõi KTMT trên

Tắm biển mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho con người. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận có thể bị mẩn đỏ, dị ứng, nhiễm độc da do sứa lửa, nước biển ô nhiễm, nắng nóng cùng các tác động môi trường... gây nguy hại cho sức khỏe.

Làm gì khi tắm biển bị mẩn ngứa? - Ảnh 1
Có rất nhiều nguyên nhân gây mẩn ngứa khi tắm biển - Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Đặng Hoàng Thiêm - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho các loài sứa phát triển, dạt vào gần bờ, trong đó có sứa lửa. Sứa lửa có nọc độc khiến người dân khi tắm chạm vào bị mẩn ngứa.

Bị mẩn ngứa khi tắm biển còn từ rất nhiều nguyên nhân khác. Ví dụ nước biển bị ô nhiễm do có nhiều loại ấu trùng, ký sinh trùng cùng với các tác động từ ánh nắng mặt trời làm cho da dị ứng, ngứa. Trường hợp đi tắm biển về xuất hiện mẩn ngứa, có thể do vô tình chạm phải sứa biển, nơi bị sứa bám vào nổi mẩn đỏ, ngứa.

Bác sĩ Hoàng Hồng Vân - Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo, khi tắm biển có cảm giác bỏng rát, rất có thể bạn đã bị sứa cắn. Vì vậy cần lập tức đi vào bờ, lấy cát đắp lên để hạn chế nọc độc của sứa.

Các trường hợp mẩn ngứa và dị ứng sau khi tắm biển

Ban ngứa khi tắm biển: Đây là một phản ứng miễn dịch ngắn hạn xảy ra do cơ thể bị nhiễm ấu trùng của một nhóm kí sinh trùng giun tròn thuộc họ schistosomatidae có trong nước. Phản ứng này gây ra những đốm ngứa nhẹ ban đầu trên da. Trong vài giờ những đốm này sẽ lớn lên, trở thành một khối u lớn ngoài da gây ngứa ngáy cực độ.

Làm gì khi tắm biển bị mẩn ngứa? - Ảnh 2
Da bị rộp sau khi tắm biển - Ảnh minh họa

Rộp da sau khi tắm biển: Là tình trạng ngứa, viêm da xảy ra do phản ứng mẫn cảm của cơ thể với tuyến chất độc chưa được hoàn thiện của một số ấu trùng sứa. Các chất độc này không gây hại cho cơ thể nhưng hệ thống miễn dịch sẽ tự động tiết ra một số chất chống độc có khả năng gây viêm, ngứa…

Viêm da do rong biển: Viêm da do rong biển là phản ứng mẫn cảm của cơ thể do tiếp xúc với một số loại rong biển, trong đó phổ biến nhất là Lyngbya majuscule – một loại rong biển có chất độc nhẹ. Khi bơi lội ở những nơi có loài rong biển này, các mảnh nhỏ của rong biển có thể mắc kẹt vào da.

Khi lên bờ, các mảnh rong biển khô chà sát vào da, phóng thích chất độc ra ngoài và làm kích hoạt các phản ứng miễn dịch gây viêm. Đây chính là nguyên nhân tại sao các loại rong biển cũng có thể gây ra tình trạng ngứa ngáy cho người tắm biển.

Làm gì khi tắm biển bị mẩn ngứa? - Ảnh 3
Viêm da do rong biển - Ảnh minh họa

Viêm da do vi khuẩn: Đây là tình trạng phát ban đỏ do một số vi khuẩn phát triển trong các bộ đồ bơi, lặn. Khi chúng ta bơi lội, các loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas, liên cầu khuẩn sinh mủ Streptococcus hay tụ cầu khuẩn Staphylococcus có thể chui vào quần áo. Sau đó, chúng sinh sống và phát triển bên trong gây ra một số bệnh như người phát ban đỏ viêm da, nhiễm trùng viêm nang long,…

Viêm da mẩn ngứa do sứa: Đây là tình trạng bị viêm, ngứa, đau nhức do tiếp xúc với một số loài sứa. trong xúc tu của một số loài sứa có chứa chất độc. Những chất độc này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể con người. Trường hợp nhẹ thì gây ngứa ngáy, khó chịu, lở loét. Trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc phản vệ, khó thở, mạch đập nhanh, nhỏ, tụt huyết áp, bất tỉnh và thậm chí dẫn đến tử vong.

Cách tốt nhất khi đi tắm biển là cần phải lưu ý và tránh những nguyên nhân gây bệnh lý rộp ngứa da có thể gặp như đã nêu trên. Còn nếu đã vướng bệnh cần bình tĩnh, tuần tự các bước xử lý:

+ Không cào gãi vì sẽ gây tổn thương da và nặng bệnh thêm;

+ Ra khỏi nước biển, cởi hết đồ tắm và rửa sạch da với nhiều nước ngọt sạch;

+ Lau khô cơ thể nhẹ nhàng, cấm chà xát vùng da tổn thương;

+ Làm dịu ngứa bằng gạc lạnh, hồ nước bột yến mạch, dầu cây trà, túi nước đá..;

+ Nếu chưa cải thiện, có thể dùng các thuốc hỗ trợ: kem corticoid tại chỗ, thuốc chống dị ứng, kháng histamine, thuốc giảm đau, kháng sinh… khi cần thiết.

+ Ăn hoa quả, uống nước cam, chanh hoặc bổ sung vitamin C. Tránh gãi làm xây xước da. Mặc quần áo mềm nhẹ, thoáng rộng. Nếu ngứa quá có thể dùng thuốc chống dị ứng, tuy nhiên, thuốc phải do bác sĩ chỉ định.

Phương pháp trị ngứa và mẩn đỏ sau khi tắm biển hiệu quả

Cách trị ngứa đơn giản mà bạn có thể áp dụng là dùng cát biển chà xát nhẹ hoặc đắp lên vùng da bị ngứa. Tuy nhiên, không nên chà sát quá mạnh vì có thể làm da bị xước gây đau rát.

Nếu bị viêm da do rong biển gây ra có thể sử dụng khăn ướt hoặc một số loại kem trị ngứa để bôi vào vùng da bị ảnh hưởng. Tiếp theo sử dụng một số loại thuốc kháng histamine để giảm bớt tình trạng viêm.

Để điều trị ban ngứa do ký sinh trùng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamine như dung dịch cortisone, thuốc uống hydroxyzine,… Ngoài ra, tắm trong bột yến mạch, muối nở,…cũng có thể làm giảm các triệu chứng.

Để bảo vệ sức khỏe khi tắm biển, bạn nên bôi kem chống nắng trước 30 phút khi ra biển để tránh các tác động từ tia cực tím tới làn da. Tắm biển chừng 30 phút đến một giờ và tắm từ 15h trở đi khi nắng bớt gắt. Về nhà cần tắm gội lại để tránh những tổn thương từ nước biển cho da và tóc. Muốn biết mình có bị dị ứng với nước biển không, hãy ngâm chân xuống biển một lúc rồi quan sát. Nếu như sắc mặt tái đi, toàn thân mệt mỏi, da nổi mần đỏ… chứng tỏ bạn bị dị ứng với nước biển và không nên tắm biển.

Diệu Nguyên (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Làm gì khi tắm biển bị mẩn ngứa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Hà Nam: “Trắng đêm” giữ bình yên cho người dân đón Tết
Để ngăn chặn hành vi sử dụng chất liệu nổ, pháo hoa, pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa cán bộ chiến sỹ công an xã Nhật Tân đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, lập chốt tại các điểm nóng, khu vực nhạy cảm, sử dụng flycam giám sát từ trên cao.

Tin mới