Lâm Đồng: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn phức tạp tại Tà Nung
Dù đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa, thế nhưng tình trạng phá, khai thác rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn Tà Nung, TP. Đà Lạt vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác quản lý và bảo vệ rừng vẫn chưa quyết liệt.
Thời gian qua, lực lượng chức năng TP. Đà Lạt đã tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tà Nung. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa bàn này chưa phát hiện được đối tượng vi phạm vẫn còn nhiều. Một số vụ vi phạm chậm phát hiện dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý kém hiệu quả.
Theo đánh giá của TP. Đà Lạt, công tác giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa thực hiện triệt để, trong góc độ địa phương vẫn còn thiếu kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm, nhiều trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có biện pháp chế tài cũng như chưa quan tâm đề xuất hướng xử lý dứt điểm nên thiếu tính răn đe, giáo dục.
Để khắc phục tình trạng trên, mới đây UBND TP Đà Lạt đã ban hành văn bản yêu cầu UBND xã Tà Nung quán triệt, nâng cao trách nhiệm hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các vụ vi phạm liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đặc biệt là tình trạng “gặm nhấm”, lấn chiếm đất rừng, hạn chế thấp nhất số vụ vi phạm vắng chủ. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát toàn bộ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các vụ phá rừng, bao chiếm đất rừng, san gạt đất, khai thác khoáng sản trái phép; theo dõi, đôn đốc việc chấp hành của các đối tượng vi phạm trong việc đóng tiền phạt và khắc phục hậu quả; những trường hợp không chấp hành, tổ chức cưỡng chế thi hành theo đúng quy định pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đồng thời, UBND TP. Đà Lạt chỉ đạo xã Tà Nung phải triển khai xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nhưng không được xử lý triệt để, dẫn đến việc sang nhượng, hợp thức hóa đất rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung (Ban QLRPH Tà Nung), tổ chức giải tỏa toàn bộ diện tích đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để bàn giao cho Ban QLRPH Tà Nung quản lý theo quy định.
Hạt Kiểm lâm Đà Lạt được giao trách nhiệm thực hiện quyết liệt và nghiêm túc tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các vụ vi phạm liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng, không để diễn biến phức tạp, vi phạm kéo dài gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Quá trình tuần tra, kiểm tra cần bảo mật thông tin, bố trí lực lượng, thời gian hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội 12, để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Tổ chức phúc tra toàn bộ các vụ vi phạm đã xử lý; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng, UBND xã Tà Nung trong quá trình giải tỏa vi phạm.
Bên cạnh đó phải khẩn trương điều tra, xử lý vi phạm vụ phá rừng trái phép tại Lô 1, Khoảnh 5, Tiểu khu 158D, xã Tà Nung, do Ban QLRPH Tà Nung quản lý. Chủ trì, phối hợp với UBND xã Tà Nung kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH Thanh Đa, Công ty TNHH Thông Phong, trong đó làm rõ biến động về đất, rừng kể từ thời điểm các công ty trên được thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng (nếu có); yêu cầu các công ty phải tổ chức trồng rừng, bổ sung cây xanh, đặc biệt tại những vị trí rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Và, kiểm tra, giám sát công tác rà soát, thống kê diện tích đất trống, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã giải tỏa nhưng các đơn vị chủ rừng chưa xây dựng kế hoạch trồng lại rừng.
Đối với các đơn vị chủ rừng, UBND TP. Đà Lạt yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các vụ vi phạm liên quan đến rừng. Đồng thời, khẩn trương rà soát, thống kê diện tích đất trống, đất lâm nghiệp đã giải tỏa để xây dựng kế hoạch trồng lại rừng. Riêng Ban QLRPH Tà Nung tổ chức lực lượng phối hợp với UBND xã Tà Nung tổ chức giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực suối Nước Trong và khu vực dự kiến cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Sau giải tỏa, phải tiến hành trồng ngay lại rừng; phân công lực lượng tuần tra, quản lý chặt chẽ diện tích đã trồng lại rừng sau giải tỏa, tuyệt đối không để tái lấn chiếm, sử dụng trái phép.
Công an TP. Đà Lạt cũng được đề nghị chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an xã Tà Nung hỗ trợ, phối hợp với UBND xã Tà Nung trong quá trình giải tỏa, cưỡng chế vi phạm liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt điều tra, truy tìm đối tượng phá rừng tại Lô 1, Khoảnh 5, Tiểu khu 158D để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp sang nhượng, mua bán đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn xã Tà Nung, đặc biệt là khu vực dự kiến cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất tại Tiểu khu 160A, xã Tà Nung.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết quý I/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, xử lý 2.856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn này là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng là 12.240,5 m3; đã phát hiện, lập hồ sơ 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 431,8 ha.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 322 dự án của 307 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52.722 ha. Số dự án đã thu hồi từ năm 2008 đến nay là 208 dự án, gồm: 172 dự án thu hồi toàn bộ (22.226 ha) và 36 dự án thu hồi một phần (4.242 ha) do vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp; để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: “Rừng cần phải được đặt đúng vị trí quan trọng vốn có, bởi rừng liên quan đến việc biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, tôi đề nghị các tỉnh, địa phương có rừng rà soát một cách nghiêm chỉnh, để có thống kê, phân loại chính xác hiện trạng để báo cáo thực với Chính phủ.
Nên có đánh giá về diện tích rừng bị mất theo từng giai đoạn, công bố công khai số liệu các vụ việc, nguyên nhân bị mất rừng, công tác quản lý, kết quả xử lý các vụ vi phạm để thể hiện sự nghiêm túc trong việc quản lý, bảo vệ rừng của từng địa phương. Đồng thời, địa phương nào chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng, xảy ra mất rừng cần phải công khai danh tính, xử lý trách nhiệm người đứng đầu”.
Thanh Tùng