Thứ bảy, 27/04/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/12/2022 16:10 (GMT+7)

Lâm Đồng: Liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Chỉ trong 5 ngày, từ 21/11 – 25/11/2022, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và phát hiện 6 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn, với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 18,851 m3 gỗ tròn và 4,235 m3 gỗ xẻ.

Lâm Đồng: Liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp - Ảnh 1
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã xác định được đối tượng vi phạm của hai vụ, chiếm 33,3%. (Ảnh minh hoạ)

Ngày 30/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã thông tin về sự việc phát hiện 6 vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn: Cho đến hiện tại, tổng diện tích rừng bị tác động rơi vào khoảng 0,457 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại là 18,851 m3 gỗ tròn và 4,235 m3 gỗ xẻ.

Cả 6 vụ việc đều ở mức độ xử lý hành chính, trong đó hai vụ đã xác định được đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 53 triệu đồng và tang vật tịch thu qua xử lý 3,587 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại.

Trong các vụ việc trên, đáng chú ý là vụ khai thác gỗ trái phép tại lô a, khoảnh 4, tiểu khu 251, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đạ K'Nàng (huyện Đam Rông). Từ ngày 17 - 24/11, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện vụ khai thác rừng trái pháp luật tại vị trí này.

Qua công tác đo đếm tại hiện trường, lực lượng chức năng huyện đã ghi nhận có ba cây gỗ bị tiến hành cưa hạ khi chưa được sự cấp phép của chính quyền, tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 7,222 m3. Diện tích rừng bị phá được xác định thuộc phân loại rừng sản xuất.

Ngay khi phát hiện được sự việc, lãnh đạo UBND huyện Đam Rông đã có văn bản đề nghị Công an huyện bố trí lực lượng phối hợp, hỗ trợ Hạt Kiểm lâm huyện truy tìm đối tượng vi phạm và điều tra, xác minh, hoàn tất hồ sơ để xử lý.

Lâm Đồng: Liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp - Ảnh 2
Cả 6 vụ việc đều ở mức độ xử lý hành chính (Ảnh minh hoạ)

Theo thống kê trước đó của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong 7 tháng đầu năm 2022, trên toàn địa bàn tỉnh đã xảy ra 159 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó đã xử lý 135 vụ, gồm 117 vụ xử lý hành chính và 18 vụ xử lý hình sự. Đặc biệt, một số vụ nghiêm trọng đã được chỉ đạo điều tra, xử lý nhanh để tăng cường tính răn đe.

Việc thiếu hụt nhân lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác giữ rừng , quản lý rừng của địa phương trở nên khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất rừng trong bối cảnh tình hình vi phạm lâm luật diễn ra phức tạp. Áp lực trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những cánh rừng đang đè nặng trên vai những người nhận nhiệm vụ.

Điển hình như: Ban quản lý rừng phòng hộ Đạ Nhim, phải quản lý tới 40.000ha rừng nhưng chỉ có có 36 người, thiếu đến 16 người, trong đó 10 nhân viên làm việc hành chính, số còn lại phải luân phiên giữ rừng và kiêm nhiệm nhiều tiểu khu. Thu nhập thấp và áp lực công việc khiến  nhiều nhân viên kể cả trạm trưởng, người có thu nhập cao hơn cũng viết đơn xin nghỉ việc.

Tương tự, Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, huyện Đức Trọng hiện cũng thiếu đến 10 biên chế trong tổng số 28 người. Quản lý hơn 17.000ha rừng, địa bàn trải rộng, nên nhiều thời điểm một nhân viên phải phụ trách 2 đến 3 tiểu khu.

Theo đơn vị quản lý, thu nhập của một kỹ sư lâm nghiệp mới ra trường vào làm việc chỉ khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng, không có khoản nào thêm, trong khi đó hàng ngày phải tự chủ xăng xe đi rừng, nên hiện có 2 - 3 nhân viên xin nghỉ việc.

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn Cát Tiên, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mỗi đơn vị cũng đang thiếu đến 20% nhân lực giữ rừng.

Áp lực giữ rừng với việc thiếu người không chỉ ở các ban, công ty lâm nghiệp, mà ngay cả ngành kiểm lâm, nhân lực để thực thi pháp luật về lâm nghiệp cũng đang thiếu. Theo các đơn vị quản lý, nguyên nhân lớn nhất khi cán bộ, nhân viên giữ rừng phải đối mặt với áp lực giữ rừng, lâm tặc đe dọa, chế độ đãi ngộ thấp….

Là một trong những địa phương luôn xem công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, trước tình hình trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng với nhiều cơ quan ban ngành để xây cơ chế, chính sách phù hợp nhất, thuận lợi nhất để tạo yên tâm cho người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng hiện tại để ổn định tư tưởng và đảm bảo một phần mức thu nhập ổn định của người giữ rừng. Từ đó, sẽ góp phần giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, giảm tình trạng vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới