Lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngân hàng vượt 10%/năm
Lãi suất tiền gửi VND trên thị trường hiện tại đã tăng lên mức cao nhất tính từ năm 2012 đến nay. Đáng chú ý, Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Bản Việt vừa công bố trả lãi suất tới 10,2%/năm cho chứng chỉ tiền gửi VND.
Ngân hàng TMCP Bản Việt vừa cho biết phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.
Xuất hiện ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất trên 10%/năm - Ảnh minh họa. |
Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.
Đây là nhà băng đưa ra mức lãi suất huy động cao nhất thị trường ở sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Bản Việt cho biết, lãi suất chứng chỉ tiền gửi được cố định trong suốt thời hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kỳ. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi được tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức bất cứ lúc nào và vẫn được hưởng mức lãi suất cạnh tranh so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và khoản tiền gửi.
Sau khi kết thúc kỳ hạn chứng chỉ tiền gửi, nếu khách hàng không đến thanh toán ngày đáo hạn, ngân hàng cho biết sẽ hỗ trợ chủ động chuyển khoản tiền vốn ban đầu và lãi phát sinh vào tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Bản Việt.
Trước Bản Việt, VIB cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 9,1% với kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. VietABank cũng là ngân hàng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi 9,1% vào tháng 5.
SHB cũng từng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với các kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng. Lãi suất cao nhất 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 8%/năm và 12 tháng là 8,1%/năm.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Người sở hữu chứng chỉ này sẽ được hưởng lãi suất và được quyền cho, tặng và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành. |
Thời gian gần đây, không chỉ tăng lãi suất huy động qua kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi, mà lãi suất kỳ hạn dài cũng được một số ngân hàng đẩy lên mức cao. VietABank vừa triển khai chương trình khuyến mại, khách hàng gửi kỳ hạn chỉ 7 tháng, số tiền từ 5 triệu đồng cũng được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 8,3%/năm…
Nhu cầu huy động vốn trung dài hạn khiến các ngân hàng đẩy lãi suất qua kênh chứng chỉ tiền gửi lên mức cao. Khách hàng cũng chuộng mua chứng chỉ tiền gửi hơn nhờ lãi suất cao, được tự do chuyển nhượng cho người khác.
Có thể thấy, áp lực huy động vẫn còn lớn ở các ngân hàng đang khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn neo ở mức cao và thậm chí có xu hướng tăng. Điều này có thể lý giải bởi giai đoạn cuối năm là giai đoạn mà nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nền kinh tế tăng mạnh. Theo đó, các ngân hàng cần tăng cường huy động vốn đầu vào để đáp ứng tăng trưởng tín dụng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết xu hướng phát hành chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng xuất phát từ nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn, trong bối cảnh siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Khi huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi, ngân hàng phải trả chi phí vốn cao hơn nhưng lại thu hút được nguồn vốn dài hạn hơn. Nguồn vốn này vừa đảm bảo thanh khoản vừa giúp ngân hàng cơ cấu lại dòng vốn của mình. Điều này được cho là cần thiết trong bối cảnh một bộ phận nguồn vốn dài hạn của các ngân hàng, đặc biệt ở ngân hàng TMCP Nhà nước, là vốn tự có đang tăng chậm so với tốc độ tăng của tín dụng. |
Nguyễn Luận