Thứ sáu, 22/11/2024 19:35 (GMT+7)
Thứ năm, 12/08/2021 11:24 (GMT+7)

Kỳ vọng về tốc độ cải tạo chung cư cũ sau Nghị định mới

Theo dõi KTMT trên

Nghị định 69/2021/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc trong vấn đề cải tạo chung cư cũ trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào vẫn phải chờ kết quả thực hiện thời gian tới.

Nguy hiểm rình rập từ những chung cư cũ

Đằng sau những toà nhà cao tầng hiện đại, những con phố tấp nập với nhiều cửa hàng cửa hiệu sáng choang,... khu vực nội đô Hà Nội vẫn tồn tại hàng trăm khu tập thể cũ, sập sệ xuống cấp nghiêm trọng, có tuổi đời nhiều thập kỷ.

Dưới áp lực dân số gia tăng nhanh và nhu cầu phát triển đô thị mới, nhiều khu tập thể bị cải tạo, cơi nới kiểu tự phát, phá vỡ kết cấu, quy hoạch ban đầu... tạo nên diện mạo nhếch nhác.

Kỳ vọng về tốc độ cải tạo chung cư cũ sau Nghị định mới - Ảnh 1
Nhiều nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay, tại các đô thị trên cả nước, có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống.

Số chung cư cũ này tập trung chủ yếu tại một số địa phương như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ...

Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM - 2 địa phương có số lượng nhà chung cư lớn nhất của cả nước, việc cải tạo, xây dựng vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, trong đó đã thực hiện kiểm định được 401 chung cư. Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại 18 chung cư, đang tiếp tục triển khai thi công 14 dự án, chiếm tỉ lệ 1,8%.

TPHCM có khoảng 575 nhà chung cư cũ, trong đó đã cải tạo, xây dựng lại được 15 chung cư, chiếm tỉ lệ 1,3%.

Tại Hà Nội, mặc dù thành phố đã rất quyết tâm và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay số khu tập thể cũ được cải tạo còn khá ít, tiến độ triển khai ì ạch. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở cơ chế lợi ích các bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Thực tế cho thấy, hầu hết các khu chung cư cũ lại nằm ở khu vực nội thành, bị hạn chế phát triển dân cư theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, dẫn đến rất khó cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Nghị định mới liệu có "gỡ nút thắt" trong cải tạo chung cư cũ?

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại. Nghị định có hiệu lực từ 1/9 tới. 

Sau nhiều năm, tốc độ cải tạo chung cư cũ vẫn ở tình trạng ì ạch bởi chính “rào cản” chính sách. Với nhiều điểm đổi mới, Nghị định 69/2021/NĐ-CP hiện được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc trong thời gian qua.  Theo đó, những “rào cản” sẽ dần được gỡ bỏ.

Kỳ vọng về tốc độ cải tạo chung cư cũ sau Nghị định mới - Ảnh 2
Nghị định 69 của Chính phủ được coi là “cú hích” trong cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ. (Ảnh minh họa)

Thông tin từ TTXVN, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, Nghị định 69/2021/NĐ-CP tạo ra sự đột phá mới trong chính sách cải tạo chung cư.

Đáng chú ý, Chính phủ tái khẳng định, việc cải tạo chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch, trên cơ sở những quy hoạch cấp trên, nhà nước sẽ đứng ra lập quy hoạch chi tiết.

Đặc biệt, chính sách mới khẳng định, chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm tham gia vào quy hoạch và được tham gia lựa chọn chủ đầu tư. Trong quy hoạch thì có định hướng.

Đồng quan điểm là phương án cải tạo chung cư sẽ do nhà nước chủ trì, có sự tham gia của người dân, trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích công bằng, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, đây cũng là cách mà nhiều quốc gia trên thế đang thực hiện rất hiệu quả và nên khuyến khích, theo TTXVN.

Vấn đề đặt ra là phương án phải phù hợp với quy định của nhà nước, quy hoạch đô thị và được đa số cộng đồng dân cư ở đấy ủng hộ. Phương án đóng vai trò quyết định, phải được lập trên cơ sở chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng cư dân.

Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường khẳng định: “Việc ban hành Nghị định 69 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại khu vực đô thị, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số lượng nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại nhiều nhất cả nước. Đồng thời cải tạo, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh hiện đại”.

Các chuyên gia nhận định, với những đổi mới về chính sách, thời gian tới, cải tạo chung cư cũ sẽ tăng tốc để góp phần cải tạo bộ mặt đô thị, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng về tốc độ cải tạo chung cư cũ sau Nghị định mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới