Thứ bảy, 20/04/2024 19:33 (GMT+7)
Thứ ba, 24/11/2020 08:47 (GMT+7)

Kỳ cuối: Giải pháp nào cho công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị liên quan đến những bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.

Đảm bảo công bằng trong đấu thầu

Theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên do Chính phủ ban hành ngày 10/4/2019, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt là hoạt động công ích được đấu thầu, ký hợp đồng thực hiện qua Luật Đấu thầu.

Chia sẻ tại tọa đàm “Đốt rác phát điện – Những vấn đề đặt ra, các phương án lựa chọn xử lý chất thải rắn”, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, công tác đấu thầu là công cụ để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững trong xã hội, có cạnh tranh thì sẽ có được sự phát triển. Do vậy, thực tế đặt ra vấn đề, đấu thầu như thế nào để đi đúng hướng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường.

Kỳ cuối: Giải pháp nào cho công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam? - Ảnh 1
Toàn cảnh tọa đàm. 

Thông tin với báo chí và chuyên gia, ông Nguyễn Thế Hồng, chuyên gia giữ vai trò cố vấn tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, công tác đấu thầu tại Việt Nam còn nhiều bất cập, có địa phương áp dụng Nghị định 63/2014/NĐ-CP, nhưng lại có nơi áp dụng Nghị định khác. Trong khi hiện nay, Luật Đấu thầu PPP được áp dụng vào 1/1/2021 nhưng Thông tư hướng dẫn vẫn chưa ban hành, không rõ thời gian ban hành.

“Các thành phố áp dụng Nghị định 63/2014/NĐ-CP, quy định công nghệ đặc thù nhưng lại đưa công nghệ của mình vào mời nhà đầu tư khác tham gia đấu thầu là không đúng. Đề nghị Chính phủ có giải pháp, đấu thầu phải vận dụng tính nhân văn và thực tế, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng”, ông Nguyễn Thế Hồng kiến nghị.

Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, để công tác đấu thầu trong lĩnh vực xử lý rác thải đạt hiệu quả, cần phải đưa vào hồ sơ mời thầu các tiêu chuẩn về quản lý môi trường, quy định một cách khách quan, độc lập về khí thải, nước thải… Theo đó, cơ quan chuyên môn sẽ tính thang điểm, đấu thầu khách quan, sòng phẳng, công nghệ nào đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được lựa chọn.

Đại diện Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Trần Văn Hiển ủng hộ thực hiện công tác đấu thầu một cách công bằng và có ưu tiên. Những công nghệ chất lượng cần được nhân rộng, hướng tới phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và phát triển môi trường.

Kỳ cuối: Giải pháp nào cho công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam? - Ảnh 2
Ông Trần Văn Hiển, đại diện Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn nhân rộng mô hình công nghệ xử lý chất thải hiệu quả. 

Tuy nhiên, GS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam không khuyến khích ưu tiên về giá điện đối với nguồn điện thu từ hoạt động xử lý rác thải. Bởi lẽ, mục tiêu của dự án là xử lý tồn đọng rác và nhà đầu tư đã được hưởng cơ chế giá xử lý rác, việc khai thác nguồn điện là sản phẩm tận thu, không ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư trong việc xử lý rác.

Giải pháp tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) dựa trên thực trạng chất thải tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị. 

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường và hoàn thiện thống nhất bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và CTRSH; Trong đó, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thống nhất cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH.

Thứ hai, thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải lồng ghép với công tác bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH ngành, địa phương.

Kỳ cuối: Giải pháp nào cho công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam? - Ảnh 3
Cần có hướng dẫn, công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục máy, thiết bị, công nghệ tái chế, xử lý CTRSH. 

Thứ ba, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; Hạn chế sản xuất. nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Không nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng tiềm ẩn các chất nguy hại, gây ô nhiễm.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Nâng cao năng lực thu gom, việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế việc chôn lấp CTRSH. Có chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý CTRSH.

Thứ năm, hướng dẫn, công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục máy, thiết bị, công nghệ tái chế, xử lý CTRSH, nhất là công nghệ, dây chuyền lò đốt rác để các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng, thực hiện; Tránh sử dụng lãng phí, phân tán và giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và công tác quản lý CTRSH. Có giải pháp ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị, máy móc lạc hậu, hiệu quả thấp “đội lốt” các nước tiên tiến để đưa vào Việt Nam.

Thứ sáu, thực hiện công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường và công tác quản lý, thu gom, xử lý CTRSH. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và CTRSH ở địa phương, cơ sở, nhất là chương trình, kế hoạch, dự án về bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý CTRSH có liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân ở địa phương, cơ sở.

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Kỳ cuối: Giải pháp nào cho công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới