Thứ năm, 28/03/2024 19:38 (GMT+7)
Thứ năm, 14/10/2021 14:00 (GMT+7)

Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'?

Theo dõi KTMT trên

Khai thác vàng trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường mà còn cướp đi sinh mạng của hàng trăm phu vàng. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, chính quyền địa phương còn rất nhiều việc phải làm.

Nhan nhản như vàng tặc

Tại Việt Nam, quặng vàng phân bố rải rác ở nhiều nơi với quy mô nhỏ, tổng tài nguyên tính được khoảng vài nghìn tấn và trữ lượng chỉ đạt vài trăm tấn. Đến nay, cả nước đã phát hiện gần 500 điểm quặng và mỏ vàng gốc (quặng vàng thực thụ và các loại quặng khác có chứa vàng), trong đó có gần 30 nơi đã được tìm kiếm thăm dò và đánh giá trữ lượng với số lượng khoảng 300 tấn vàng.

Các mỏ vàng gốc tập trung tại miền núi phía Bắc. Vùng có biểu hiện khoáng hóa vàng khá tập trung ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình) như Cao Răm, Da Bạc, Kim Bôi... với tổng trữ lượng khoảng 10 tấn. Vùng núi Xà Khía, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) cũng đã phát hiện được quặng chứa vàng, ở vùng Hà Giang, mỏ vàng tại Bồng Miêu (Quảng Nam)...

Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'? - Ảnh 1
Lối vào hầm khai thác vàng trái phép tại hang Kịt, Pù Luông. (Ảnh internet)

Trước món lợi từ việc khai thác vàng quá lớn nên địa phương nào phát hiện có vàng sa khoáng thì địa phương đó có ghi nhận việc khai thác vàng trái phép. Quy mô khai thác trái phép lớn hay nhỏ, nhiều hay ít tùy vào trữ lượng vàng tại các khu vực mà các đối tượng đang tiến hành khai thác trái phép. Vàng tặc xuất hiện ở khắp tất cả các địa phương, từ Bắc chí Nam, chỉ cần có vàng là có vàng tặc. Chỉ cần gõ cụm từ “khai thác vàng trái phép” trên trang công cụ tìm kiếm google sẽ cho ra 6.640.000 kết quả trong 0,36 giây.

Mới nhất là tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Lỗ Sổ, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định), được phản ánh vào ngày 4/10. Theo ông Phan Chí Hùng – Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thì có tất cả 5 hầm vừa được đào xới. Mỗi miệng hầm rộng từ 2 - 6 m2, dài 30 - 40 m, khả năng có hầm ngang phía dưới. Để tiện bề hoạt động, các đối tượng khai thác vàng còn làm 2 hố chứa nước nhân tạo (khoảng 16 m2/hố) để đãi vàng.

Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'? - Ảnh 2
Đại công trường khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu, Tam Lãnh, Phú Ninh Quảng Nam (Ảnh: Hoài Văn)

Trước đó, vào cuối tháng 9/2021, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và UBND huyện Bá Thước, Thanh Hóa phát hiện tại khu rừng giáp ranh giữa khu vực bãi Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước với khu vực rừng thuộc địa phận xóm Nà Lụt, xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có khoảng 15 - 20 người đào vàng trái phép.

Tại tiểu khu 250, rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, lực lượng chức năng phát hiện 1 máy nổ, 1 môtơ điện, 1 máy bơm nước, 1 bể chứa nước lót bạt, 1 hệ thống đường ống dẫn nước và 1 lán trại do người khai thác vàng trái phép dựng lên. Cách đó không xa là 3 bể nhân tạo để ủ hóa chất đãi vàng.

Còn tại vị trí thuộc rừng phòng hộ ở xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình (giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông), lực lượng chức năng phát hiện 1 hầm lò rộng 4 m, sâu 30 m. Tại khu vực này phát hiện 2 lán trại, 1 đầu nghiền, 1 mô tơ điện, 1 máy đục...

Theo ông Võ Minh Khoa - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, UBND huyện vừa có công văn gửi UBND huyện Mai Châu đề nghị phối hợp xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép tại vùng rừng giáp ranh giữa hai huyện. UBND huyện Bá Thước cũng vừa đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cần phải có biện pháp mạnh như dùng thuốc nổ phá hủy các hầm đào vàng trái phép tại khu vực rừng giáp ranh, để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'? - Ảnh 3
TS. Đỗ Quốc Bình - Trưởng phòng Khoáng sản Kim loại, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Theo TS. Đỗ Quốc Bình - Trưởng phòng Khoáng sản Kim loại, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, “Tại sao ở Phước Sơn, Bồng Miêu người dân cứ liều mình nhảy vào làm vàng, công an bắt người ta vẫn cứ nhảy vào? Bởi vì có thực tế là dân ở đó người ta làm vàng bao đời nay, nó là nghề, là nghiệp, là mưu sinh". 

Chưa có biện pháp xử lý dứt điểm nạn vàng tặc

Theo các chuyên gia ngành khoáng sản thì quặng vàng ở Việt Nam là quặng đa kim. Do vàng chưa bị nóng chảy nên bị lẫn trong các kim loại khác như đồng, bạc,... Để khai thác quặng vàng loại này người ta phải dùng đến các phương pháp tuyển vàng khác nhau, tùy theo tính chất của mỗi loại quặng.

Dù quy mô khai thác khác nhau, nhưng phần lớn các đối tượng khai thác vàng trái phép đều chọn phương án tuyển vàng bằng hóa chất, chủ yếu là thủy ngân và cyanua. Sau khi tuyển rửa vàng, lượng lớn hóa chất độc hại được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân địa phương. Dòng sông Bồng Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) đã bị ô nhiễm nặng nề do các đối tượng khai thác vàng trái phép gây ra đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'? - Ảnh 4
Nước thải từ việc tuyển rửa quặng thường được vàng tặc xả thẳng ra môi trường. (Ảnh: Hoài Văn)

Việc khai thác vàng trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường, còn đe dọa đến cuộc sống tính mạng của các phu vàng đang làm việc trong các hầm trái phép và những người sinh sống trong khu vực. Do các hầm này được đào lén lút, không đảm bảo các quy định về an toàn lao động nên có thể bị sập bất cứ lúc nào. Những năm qua đã xảy ra hàng chục vụ sập hầm vàng, hàng trăm phu vàng đã vĩnh viễn nằm lại dưới những hầm vàng trong những cánh rừng thiêng nước độc.

Để xóa nạn vàng tặc trên địa bàn, hàng năm chính quyền địa phương nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức nhiều đợt truy quét, xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép. Sau khi tổ chức truy quét, chính quyền địa phương tổ chức chốt chặn các khu vực phát hiện có vàng tặc hoạt động.

Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'? - Ảnh 5
Việc xả thải trực tiếp hóa chất cyanua ra sông suối gây nguy hại cho môi trường. (Ảnh Hoài Văn)

Trả lời báo chí về việc xử lý vàng tặc tại điểm nóng Bồng Miêu, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Mặc dù đã truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn chưa xử lý tận gốc”.

Phát ngôn này được chứng minh qua thực tiễn xử lý vàng tặc của TP.Đà Nẵng. Tháng 3/2021, 30 hầm vàng tại khu vực rừng Khe Đương (27 hầm) và rừng Cà Nhông (3 hầm) thuộc xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) đã bị đánh sập hoàn toàn. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng khai thác vàng trên địa bàn đã tái diễn khi vào đầu tháng 9/2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện 29 đối tượng đang khai thác vàng trái phép tại khu vực Khe Đương.

Theo ông Lê Trí Thanh để xử lý triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép cần xử lý nghiêm khắc, không khoan những với các đối tượng tổ chức cầm đầu và các đối tượng liên quan đến việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn.

“Đối tượng nào vi phạm mức hành chính phải xử lý hành chính, những đối tượng đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải xử lý nghiêm khắc. Phải xác định được sơ đồ hầm lò, ai là người quản lý số hầm lò vàng trái phép và người quản lý này ở đâu?”- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định.

Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'? - Ảnh 6
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam truy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép. (Ảnh: Long Phi)

Còn theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh, cùng với phương án đánh sập hầm vàng, tỉnh yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng; Tiến tới việc khai thác khoáng sản phải có chủ, ngăn chặn vĩnh viễn nạn khai thác vàng trái phép.

“Khai thác vàng không quản lý được tác động rất lớn đến môi trường, mất an ninh trận tự, gây xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng nguồn nước. Chúng tôi đã lường trước được, khi đánh sập thì khó có thể có ai quay lại khu vực này. Chúng tôi tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt để vĩnh viễn nơi này không có vàng thổ phỉ, đưa vào hoạt động khai thác khoáng sản bài bản hơn, cần có chủ thể khai thác cùng với nhà nước để quản lý”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Trong phát biểu chỉ đạo các cơ quan chức năng Quảng Nam xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu, ông Lê Trí Thanh yêu cầu: “Chính quyền địa phương phải làm việc với người dân, thông báo cho họ biết việc chấm dứt khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu, hướng dẫn bà con chuyển đổi nghề khác, đồng thời nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho nhân dân hoặc giúp họ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế".

Ý kiến của ông Lê Trí Thanh nhận được sự đồng tình từ phía TS. Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hội Khoáng sản Việt Nam. Ông Bình nhận định nếu chính quyền địa phương không tạo việc làm, tăng cường phúc lợi xã hội cho những phu vàng từng tham gia khai thác vàng trái phép thì họ lại tìm mọi cách khai thác lậu, bất chấp hiểm nguy. Từ thực tế trên đòi hỏi chính quyền các cấp cần có những biện pháp đồng bộ mới xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép tại các địa phương.

(còn nữa)

Xuân Hòa - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 4: Chảy máu khoáng sản: Bất lực với 'Vàng tặc'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.