Thứ sáu, 22/11/2024 23:08 (GMT+7)
Thứ ba, 12/10/2021 07:01 (GMT+7)

Kỳ 2: Chảy máu khoáng sản: Mánh khóe của Than ‘thổ phỉ’

Theo dõi KTMT trên

Ở Việt Nam, một số tỉnh ở khu vực Đông Bắc có hoạt động khai thác khoáng sản than. Đa phần các đơn vị đều chấp hành nghiêm các quy định về khai thác nhưng một số nơi vẫn còn tồn tại những hành vi vi phạm…

Than “thổ phỉ” vẫn còn đất sống

Tổng tài nguyên, trữ lượng than Việt Nam theo QH403 là 48.878 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng, tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 3.558 triệu tấn (chỉ đạt 7%); Tài nguyên dự tính và tài nguyên dự báo 45.499 triệu tấn (chiếm tới 93%). Hiện nay, hoạt động khai thác than tập trung ở khu vực Đông Bắc như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang… và đã thu về nguồn giá trị lớn với những hoạt động hiệu quả từ Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các Công ty khai thác than ở các địa phương.

Kỳ 2: Chảy máu khoáng sản: Mánh khóe của Than ‘thổ phỉ’ - Ảnh 1
Nhiều vụ việc khai thác than lậu quy mô lớn bị phanh phui.

Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động khai thác được cấp phép, được kiểm soát chặt chẽ vẫn có những hoạt động khai thác “chui”, vi phạm pháp luật. Một vụ khai thác than lậu khiến dư luận không khỏi rúng độg đó là vụ Công ty Cổ phần Yên Phước (Thái Nguyên) khai thác rồi bán lậu hàng triệu tấn than.

Theo đó, đơn vị này được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn. Tuy nhiên đơn vị này sau đó ký kết hợp đồng với Công ty Đông Bắc được khai thác, chế biến than tại mỏ than Minh Tiến.

Ngay từ khi thỏa thuận và ký hợp đồng, Công ty Cổ phần Yên Phước đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hàng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn). Từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty Yên Phước với sản lượng khai thác khoảng hơn 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.

Cũng liên quan đến câu chuyện khai thác than lậu, hẳn nhiều người còn nhớ vào cuối tháng 2/2021, Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá, bắt giữ vụ tổ chức khai thác than trái phép trị giá khoảng 200 tỉ đồng tại các khai trường thuộc quản lý của Công ty than Hạ Long - TKV tại phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả. Cơ quan công an đã tạm giữ 50 người cùng 54 phương tiện, thu giữ khoảng 100.000 tấn than, trị giá khoảng 200 tỉ đồng.

Kết quả điều tra ban đầu xác định một số doanh nghiệp tư nhân và cá nhân bên ngoài đã thông đồng với cán bộ thuộc Công ty than Hạ Long, Công ty than Khe Sim… lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác trái phép với quy mô lớn, chiếm đoạt than công khai nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.

Một vài năm trở lại đây ở các tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản than, cơ quan chức năng cũng thường xuyên phát hiện bắt giữ những vụ khai thác than trái phép.

TS. Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng ban Chiến lược của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) từng đánh giá: “Lỗ hổng” lớn nhất dẫn tới thực trạng thất thoát nguồn than là “lỗ hổng” về kiến thức, kể từ khi ngành than được thành lập như một tập đoàn kinh tế đến nay, những người có trách nhiệm quản lý, từ các cán bộ quản lý cấp cao (các vụ trưởng, thứ trưởng của các bộ quản lý ngành) đến các Chủ tịch, Tổng Giám đốc của TKV đã không hiểu đúng (hoặc chưa hiểu được) đặc thù của ngành than nói riêng và của ngành khoáng sản nói chung.

“Đối với ngành than, trong thời gian qua, các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước (Bộ Công Thương) đã mắc sai lầm là chuyển từ thái cực quản rất chặt sang thái cực ủy quyền/buông lỏng một cách rất “vô tư”, trong khi các cơ quan có chức năng giám sát Nhà nước (thuế, hải quan, kiểm toán, cảnh sát biển, biên phòng, công an kinh tế,...) thì vẫn tiếp tục quản lý theo kiểu “đười ươi giữ ống”, ông Sơn thẳng thắn.

Lợi dụng dự án để ăn cắp khoáng sản than

Quảng Ninh nổi tiếng là vùng đất mỏ than. Trữ lượng than đá khoảng 3,6 tỉ tấn, tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí – Đông Triều. Ở Quảng Ninh người ta thường tếu táo "cứ đào đất lên là có than", vì thế nhiều dự án khi thực hiện phát hiện có than là họ tiến hành khai thác tận thu nhưng lại không báo chính quyền địa phương và thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí với nhà nước. Đây là hình thức phổ biến trong một thời gian dài.

Kỳ 2: Chảy máu khoáng sản: Mánh khóe của Than ‘thổ phỉ’ - Ảnh 2
Nhiều đối tượng núp bóng dự án để khai thác than lậu. (Ảnh minh họa)

Những năm 2018, dư luận người dân tỉnh Quảng Ninh bất bình trước việc Công ty CP Tập đoàn Hạ Long dù chưa có thủ tục thuê đất, giao đất đã ồ ạt đưa phương tiện khai thác làm phá vỡ cảnh quan, kết cấu tự nhiên của rừng phòng hộ hồ Yên Lập, rừng sản xuất tại xã Quảng La (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh). Đáng nói, địa điểm được chính quyền địa phương chấp thuận để khai thác đất thì bên dưới là các vỉa than.

Trước đó, cũng tại địa phương này, có nhiều vụ việc các đơn vị thực hiện các dự án nhưng núp bóng thực hiện việc khai thác than. Đơn cử như dự án nhà máy rác của Công ty TNHH Viễn Đông (tại xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều) khai thác than trái phép, đe dọa nguồn nước cấp cho hàng ngàn hộ dân quanh vùng. UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định cho Công ty TNHH Viễn Đông thuê 15 ha đất trong 50 năm để xây dựng một nhà máy xử lý rác thải với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng.

Tiếng là nhà máy rác, nhưng nhà máy này lại nằm ngay trên một... vỉa than ở lưng chừng núi. Trong quá trình thi công đã xảy ra việc đào móng sâu đến hơn 40 m, tập kết đất đá vượt ranh giới và khai thác trái phép hơn 4.700 tấn than. Vụ việc lợi dụng làm dự án để khai thác than trái phép này chỉ bị dừng lại khi bị báo chí phanh phui. Và còn một số vụ việc tương tự khác cùng thủ đoạn xảy ra ở các địa địa phương có trữ lượng than lớn.

PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, hiện nay việc khai thác khoáng sản nói chung và than nói riêng bao giờ cũng phải có một quy hoạch nhất định, quy hoạch ấy phải được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trình lên Thủ tướng và được đồng ý thì mới được khai thác. Với trường hợp khai thác than trái phép vừa bị công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, nhóm đối tượng khai thác này sẽ khai thác than không theo quy hoạch nào cả. Việc khai thác không theo quy hoạch sẽ làm lãng phí tài nguyên do họ chọn chỗ nhiều than khai thác, còn chỗ ít thì bỏ".

Bàn thêm về hậu quả của việc khai thác than trái phép để lại, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển nhận định: Việc khai thác khoảng 100 nghìn tấn than, trị giá khoảng 200 tỉ đồng chỉ là giá trị nổi mà chúng ta nhìn thấy, thực tế thiệt hại nó để lại còn nhiều hơn thế. Không những ảnh hưởng tới môi trường, việc khai thác than trái phép còn ảnh hưởng đến tài nguyên đất, rừng. Các đối tượng khai thác than trái phép chắc chắn sẽ đổ lung tung chất thải đó ra môi trường dẫn tới việc không kiểm soát được môi trường và thất thoát giá trị tài nguyên.

(Còn nữa…)

Xuân Hòa - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: Chảy máu khoáng sản: Mánh khóe của Than ‘thổ phỉ’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới