Thứ bảy, 23/11/2024 15:25 (GMT+7)
Thứ tư, 22/12/2021 11:00 (GMT+7)

[Kỳ 3] Quá trình cổ phần hóa VEFAC diễn ra như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Quá trình cổ phần hóa VEFAC (là TTTL Giảng Võ) diễn ra khá đặc biệt và là lần đầu tiên ở Việt Nam, gắn với ràng buộc phải tiến hành các dự án.

Như đã đề cập trong [Kỳ 1] Trung tâm triển lãm Giảng Võ - Nhớ và suy ngẫm về ký ức qua một vài sự kiện và [Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh', ở kỳ này tôi xin đề cập đến quá trình cổ phần hóa VEFAC (là TTTL Giảng Võ). 

Điều này thể hiện rất rõ nét trong tài liệu: Phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam do Chính công ty này (ông Tổng Giám đốc Trần Văn Tân ký) và Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa VEFAC (ông Trưởng ban Huỳnh Vĩnh Ái ký) soạn thảo vào Tháng 2 năm 2015 [7].

Tài liệu này ghi rất rõ:

3. Mục tiêu thực hiện Cổ phần hóa Công ty VEFAC gắn với phát triển Dự án

- Tạo ra một tổ hợp kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô lớn, hiện đại và hoàn chỉnh, mang tính biểu tượng của Thủ đô, trong đó lấy Khu hội chợ triển lãm (mang tính đa năng: hội chợ, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo,...) làm cốt lõi, hình thành nên một địa danh: “Thành phố Triển lãm”;

- Nhà nước không nắm cổ phần chi phối trong Dự án nhưng vẫn có được Khu hội chợ triển lãm (một công trình công cộng, không vì mục tiêu lợi nhuận) đạt chuẩn quốc tế (Văn bản số 2013/TTg-KGVX ngày 20/11/2008, Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 (thay thế Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/03/2011). Như vậy đạt được mục tiêu xã hội hóa các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước;

- Tạo điều kiện đổi mới trong phương thức quản lý doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra nhiều việc làm mới.

4. Nguyên tắc thực hiện cổ phần hóa Dự án

Việc thực hiện cổ phần hóa Công ty VEFAC gắn liền với Dự án là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ, vì vậy phải vận dụng các quy định của pháp luật và tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Dự án từ trước tới nay, trong đó có một số nội dung có tính nguyên tắc như sau:

Nguyên tắc 1: Việc cổ phần hóa gắn với phát triển Dự án được hưởng chính sách ưu đãi, đặc thù và phải xã hội hóa tối đa, Nhà nước không nắm cổ phần chi phối và không sử dụng ngân sách nhà nước.

Nguyên tắc 2: Phải bảo đảm tính liên tục việc tổ chức hội chợ triển lãm, tức là Dự án Giảng Võ chỉ được xây dựng khi hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm đã được chuyển về Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới thuộc Dự án Nhật Tân - Nội Bài hoặc địa điểm tạm thời được Bộ VHTTDL phê duyệt.

Nguyên tắc 3: Công ty cổ phần VEFAC kế thừa toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của Công ty VEFAC.

Nguyên tắc 4: Cổ đông Nhà nước được Chính phủ ủy quyền) có quyền phủ quyết nếu Công ty cổ phaand VEFAC vi phạm đối với các vấn đề liên quan đến Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia, bao gồm:

  • Điều chỉnh đối với một số nội dung quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt;
  • Điều chỉnh hoặc thay đổi các hạng mục xây dựng công trình khác biệt so với quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt;
  • Kéo dài tiến độ thực hiện dự án mà không có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Vận hành và quản lý các hạng mục Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia và toàn bộ hạ tầng của Dự án Nhật Tân - Nội Bài trái với nội dung cam kết ở mục b và mục f;
  • Triển khai công nghệ phục vụ Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia không phù hợp với thời điểm đầu tư hoặc trái với công nghệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;”

Đọc qua mục tiêu và nguyên tắc cổ phần hóa VEFAC ta thấy mừng vì sẽ sớm Tạo ra một tổ hợp kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô lớn, hiện đại và hoàn chỉnh, mang tính biểu tượng của Thủ đô thay thế Khu vực tiển lãm Giảng Võ, chuyển đất khu vực này sang dự án khác (không còn chức năng tổ chức hội thảo).

Nguyên tắc 2 giúp chúng ta yên tâm là bảo đảm tính liên tục việc tổ chức hội chợ triển lãm nhưng không phải là ở Giảng Võ nữa. Mới đọc thì thấy nguyên tắc này đủ chặt nhưng đọc kỹ thì vẫn những khe hở để VEFAC có thể “lách” được. Đó là quy định: Dự án Giảng Võ (mới) chỉ được xây dựng khi hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm đã được chuyển về Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới thuộc Dự án Nhật Tân - Nội Bài hoặc địa điểm tạm thời được Bộ VHTTDL phê duyệt chứ không quy định việc phá dỡ Khu triển lãm Giảng Võ cũ. Vì vậy chỉ sau thời gian ngắn Khu triển lãm Giảng Võ cũ đã bị phá trong khi Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới Dự án Nhật Tân - Nội Bài chưa bắt đầu xây dựng và địa điểm tạm thời chưa có và chưa được được Bộ VHTTDL phê duyệt. Vậy cho đến nay, nguyên tắc ngày không được tuân thủ và trách nhiệm này có lẽ thuộc ai đó chứ không thuộc VEFAC. Chúng ta còn phải đợi và đợi thêm nhiều năm nữa chăng? Để có được nơi, có công năng tương tự Khu triển lãm Giảng Võ. Nếu chờ đợi lâu nữa thì người dân sẽ thấy ngay việc phá dỡ sớm Khu triển lãm Giãng Võ đã và sẽ gây lãng phí rất lớn về lợi ích kinh tế và xã hội.

Phân tích các nguyên tắc này và theo dõi quá trình cổ phần VEFAC, Báo Tiền Phong online ngày 19/3/đăng bài Đất vàng Triển lãm Giảng Võ và 'khúc xương' 4.000 tỷ đồng [8] (có thêm ghi chú: theo Vietnamnet) có nhiều nhận định rất đáng chú ý như: Mọi con mắt đều đổ dồn vào khu "đất vàng" hiếm hoi còn lại giữa trung tâm Thủ đô nhưng ít người biết rằng phía sau "miếng hời" này là "phần chìm của tảng băng nghĩa vụ" đầy thách thức và không dễ "nuốt trôi". Hay:

“Phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam ngày 20/3 tới đây đang được giới đầu tư đón đợi.

Triển lãm Giảng Võ hiện thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC). Theo thông tin được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, việc cổ phần hóa VEFAC có 3 dự án thành phần gắn liền với nhau: Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trên trục Nhật Tân - Nội Bài (Dự án Nhật Tân - Nội Bài), Dự án Giảng Võ và Dự án Mễ Trì.

Trong đó, dự án Nhật Tân - Nội Bài sẽ là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, thay thế cho Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam hiện tại. Công trình này được xác định là nơi đăng cai tổ chức các sự kiện lớn mang tính chất quốc gia nên kinh phí đầu tư rất lớn, trị giá xây dựng sơ bộ ít nhất lên đến 4.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu hỗ trợ.

Và đây chính là "phần chìm của tảng băng nghĩa vụ và trách nhiệm" đầy khó khăn và thách thức trong thương vụ này.

Trước khi với tới được khu "đất vàng" ở dự án ở 148 Giảng Võ, nhà đầu tư phải hoàn tất toàn bộ dự án Nhật Tân - Nội Bài và bàn giao lại cho VEFAC như một hình thức BT. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư phải "móc hầu bao" ngay bằng vốn của mình ít nhất 4.000 tỷ đồng để hoàn thiện dự án Nhật Tân - Nội Bài và "giao đứt" lại cho VEFAC khai thác sử dụng.

Nhưng đó vẫn chưa phải phần "xương nhất". Nhà đầu tư còn phải đối mặt với áp lực rất lớn về tiến độ và các tiêu chuẩn khắt khe khác.

Cụ thể, đến cuối năm 2018, nhà đầu tư bắt buộc phải hoàn thiện và bàn giao được Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia cho VEFAC với chất lượng và tiêu chuẩn đạt yêu cầu là công trình mang tính biểu tượng quốc gia. Nếu làm chậm tiến độ hoặc không đạt yêu cầu về chất lượng xây dựng hay chưa đạt các tiêu chuẩn có khả năng bị thu hồi lại quyền triển khai dự án và không được hoàn lại kinh phí đã đầu tư.

Đây là đề bài được coi là "đánh đố" vì từ nay đến 2018 chỉ còn 3 năm, trong khi Dự án Nhật Tân - Nội Bài mới có về chủ trương, chưa có "hình hài" cụ thể, thậm chí khu đất nào được chọn cũng chưa xác định chính xác.

Vậy làm thế nào để trong vòng 3 năm có thể hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, được duyệt thiết kế, thi công và hoàn thiện.... Đây là thách thức rất lớn kể cả với những "đại gia" tự tin có tiềm lực hùng mạnh”.

Nhưng vẫn có nhà đầu tư sẵn sàng mua số cổ phần chiếm tới hơn 80% giá trị, đó là Tập đoàn Vingroup và phải phải chăng họ đã có “cách” lách qua nguyên tắc 2 và “ninh nhuyễn” được khúc xương 4.000 tỷ đồng như nêu ở trên. Nhưng cho dù Tập đoàn Vingroup có đầu tư rất nhiều tiền thì vẫn còn rất lâu Dự án Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới thuộc Dự án Nhật Tân - Nội Bài mới xong nên chắc họ phải làm việc với Bộ VHTTDL để phê duyệt địa điểm tạm thời nào đó để có thể bắt tay xây dựng Dự án Giảng Võ mới.

Cụ thể, năm 2015 đã đánh dấu một giai đoạn phát triển bước ngoặt của VEFAC với việc gia nhập Tập đoàn Vingroup - một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Với việc trở thành công ty con của Tập đoàn Vingroup, VEFAC được thừa hưởng kinh nghiệm phát triển dự án, hệ thống quản trị vững mạnh, uy tín thương hiệu, cùng hệ sinh thái các sản phẩm/dịch vụ đẳng cấp của Tập đoàn này, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngày 22/12/2015 mã cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam đã chính thức niêm yết trên sàn Chứng khoán UPCom. Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới khi Công ty hoàn toàn chuyển đổi từ mô hình Nhà nước sang CTCP đại chúng, có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 tổ chức giữa tháng 6/2020 của VEFAC, ông Trần Lê Phương đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thay bà Lý Hoa Liên (Tổng giám đốc). Ông Trần Lê Phương được biết đến là người có nhiều năm công tác tại Vingroup và từng giữ chức Phó tổng giám đốc của VinFast.

Về dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm sẽ xây dựng

Như vậy việc cổ phần hóa VEFAC đã được thực hiện, mọi người bây giờ quan tâm nhiều tới việc xây dựng Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới thuộc Dự án Nhật Tân - Nội Bài. Những bài viết đăng gần đây cho thấy, một trung tâm triển lãm quốc gia - quốc tế sẽ được Vingroup đầu tư xây dựng tại Đông Anh - Hà Nội với quy mô và hiện đại gấp nhiều lần hơn (so với Trung tâm Triển lãm Giảng Võ).

Quy mô của dự án được trình bày khá rõ trên hình 2 về phương án quy hoạch kiến trúc Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia - Quốc tế mới tại Đông Anh - Hà Nội, được phác thảo năm 2016 và đăng trên [4].

Theo tin từ trang giangvo.net [9], sáng ngày 8 tháng 10 năm 2016 Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia đã chính thức được động thổ với tổng diện tích đất hơn 90 ha và có nhiều hạng mục như khu triển lãm, hội nghị, thương mại và sẽ trở thành khu triển lãm quy mô lớn nhất của Việt Nam.

Sự có mặt của các vị lãnh đạo cấp cao lúc đó như Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trong lễ động thổ cho thấy sự đồng tình ủng hộ của Nhà nước, củng cố thêm niềm tin cho nhân dân về hiệu quả của dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia.

Chủ đầu tư của dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia là Tập đoàn Vingroup, một tập đoàn tư nhân có tiềm lực kinh tế vào loại mạnh nhất Việt Nam, qua Công ty CP VEFAC cũng tạo thêm sự yên tâm cho người dân về tính thực thi của dự án.

[Kỳ 3] Quá trình cổ phần hóa VEFAC diễn ra như thế nào? - Ảnh 1
Phương án quy hoạch kiến trúc Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia – Quốc tế mới tại Đông Anh – Hà Nội. [4]

Tuy nhiên, mãi tới năm 2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh mới tổ chức công bố đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Khu vực Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh và đồ án Quy hoạch chi tiết phân khu đô thị GN(A) tỷ lệ 1/5.000 tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Cổ Loa, huyện Đông Anh [10]. Theo đó, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011 xác định bố trí Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Mễ Trì là 50ha và Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại xã Xuân Canh 50ha. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhập hai trung tâm trên thành Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, bố trí tại khu vực xã Cổ Loa. Tuy nhiên, việc bố trí Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới tại khu vực xã Cổ Loa làm thay đổi định hướng quy hoạch tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Do vậy, UBND TP Hà Nội đã có công văn và tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô tại khu vực Đông Anh để xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới. Vào cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 702/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh.

Chúng tôi đã tìm hiểu thêm thông tin từ Quyết định 702/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 [11] và thấy ngay Điều 1 đã “Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - Khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội”. Khoản 2 điều này có ghi: “Bố trí Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia (bao gồm: khu triển lãm, khách sạn, khu phụ trợ...), với quy mô khoảng 90 ha”, kèm theo đó là: “Bố trí các công trình công cộng đô thị, đầu mối hạ tầng và thương mại, hỗn hợp (thương mại, dịch vụ, quảng trường, bãi đỗ xe, văn phòng, ở...) gắn với ga đường sắt đô thị theo mô hình TOD” và đất bố trí một số công trình khác (đất cây xanh, đất xây dựng khu đô thị hiện đại).

Về định hướng phát triển không gian, Quyết định 702/QĐ-TTg nêu rõ:

“- Tổ chức trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa gắn với công viên văn hóa, lịch sử, với điểm nhấn chính là hệ thống mặt nước được tổ chức xuyên suốt, kết nối giữa thành phố quá khứ - hiện tại và tương lai theo đúng quy hoạch chung đã được phê duyệt.

- Điểm nhấn không gian của khu vực là công trình Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia với khối tích, khẩu độ lớn, hình dáng kiến trúc hiện đại, độc đáo mang tính đặc trưng của khu vực đô thị phát triển mới tại khu vực phía Bắc.

- Tổ chức không gian khu đô thị mới theo mô hình TOD gắn kết chặt chẽ với tuyến đường sắt đô thị số 4 (chạy dọc đường Trường Sa)”,

Trong Điều 2 của Quyết định này, Thủ tường Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện:

“- Chỉ đạo cập nhật nội dung điều chỉnh cục bộ vào hồ sơ đồ án quy hoạch chung để quản lý thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

- Công bố công khai nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; hồ sơ đồ án quy hoạch chung sau khi được cập nhật gửi về Bộ Xây dựng để lưu giữ theo quy định; đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam.

- Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực liên quan đến điều chỉnh cục bộ theo thẩm quyền, đảm bảo kết nối khu vực điều chỉnh quy hoạch với các khu chức năng khác, không phá vỡ cấu trúc, định hướng phát triển không gian đô thị; đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan và kiến trúc, cảnh quan khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

- Lập kế hoạch và tổ chức triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực chức năng khác trong thành phố đảm bảo yêu cầu kết nối đồng bộ. Đối với diện tích đất công cộng, cây xanh thể dục thể thao được điều chỉnh giảm, cần nghiên cứu cân đối khi rà soát điều chỉnh quy hoạch khu vực Bắc sông Hồng, đảm bảo yêu cầu, phù hợp quy định pháp luật.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan.

- Phối hợp với Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật”.

Chỉ sau gần một tháng khi Quyết định 702/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 có hiệu lực, ngày 15/6/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2465/QĐ-UBND Phê duyệt Phân khu đô thị GN(A), tỷ lệ 1/5000 khu vực các xã Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm, Xuân Canh, huyện Đông Anh.

Trong Điều 1, mục 4, điểm g của Quyết định này có nhiều nội dung nhưng chúng tôi chỉ trích dẫn quy định khu trung tâm, cụ thể như sau:

Khu B-ô quy hoạch B3 (Khu Trung tâm HCTLQG): Quần thể các công trình của Trung tâm HCTLQG, trong đó trọng tâm là khu triển lãm trong nhà, thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, gồm các module công trình liên thông, phục vụ linh hoạt cho các triển lãm từ quy mô nhỏ đến lớn. Tổ hợp công trình trung tâm có chiều cao khoảng 50m, gắn với cụm hồ điều hòa (trong đó hồ chính có quy mô 25 ha trên tổng diện tích hồ khoảng 54 ha) tạo điểm nhấn kiến trúc, đón hướng nhìn từ phía đường Trường Sa cũng như hướng từ hướng cầu Tứ Liên sang. Phía tiếp giáp với trục Cổ Loa – Hồ Tây tạo khoảng lùi khoảng 50m để tăng cưởng trồng cây xanh và nhấn mạnh cho vai trò của trục này. Trong quá trình lập QHCT, tùy theo phương án cụ thể có thể điều chỉnh về tổ chức không gian nhưng phải bảo đảm các điều kiện về khoảng lùi và không gian cảm thụ công trình đã khống chế trong QHPK”.

Về định hướng phát triển không gian, theo Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội cũng ghi rõ: Tổ chức trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa gắn với công viên văn hóa, lịch sử, với điểm nhấn chính là hệ thống mặt nước được tổ chức xuyên suốt, kết nối giữa thành phố quá khứ - hiện tại và tương lai theo đúng quy hoạch chung đã được phê duyệt; Điểm nhấn không gian của khu vực là công trình Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia với khối tích, khẩu độ lớn, hình dáng kiến trúc hiện đại, độc đáo mang tính đặc trưng của khu vực đô thị phát triển mới tại khu vực phía Bắc; Tổ chức không gian khu đô thị mới theo mô hình TOD gắn kết chặt chẽ với tuyến đường sắt đô thị số 4 (chạy dọc đường Trường Sa) [12].

Như vậy, cả Quyết định 702/QĐ-TTg và Quyết định 2465/QĐ-UBND đều quy hoạch xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia một các đồng bộ gắn với quy hoạc giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng, khu đô thị. Rõ ràng, để người dân dễ dàng vào thăm, dự triển lãm và các sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia thì giao thông phải thuận tiện, phải có bãi đỗ xe đủ lớn, phải có hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh (hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, cơ sở cung cấp dịch vụ triển lãm,...).

So với Khu Triển lãm Giảng Võ, ngay ở trung tâm Hà Nội, người dân đã quen thuộc, đi lại dễ dàng, có thể sử dụng xe máy để đến thăm, dự sự kiện thì Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia kém ưu thế hơn, không biết phải đợi thời gian bao lâu mới có được đường sắt đô thị sang Cổ Loa, không biết đến bao giờ người dân vùng nội đô mới quen được việc sang tận Cổ Loa để thăm, dự triển lãm cũng như khi nào thì hình thành được chuỗi cung ứng các dịch vụ cần thiết phục vụ tổ chức sự kiện và phục vụ người tham quan. Tuy nhiên, Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia lại có thể mạnh là rộng, thiết kế hiện đại có thể tổ chức cả các sự kiện quốc tế và quốc gia quy mô lớn.

Vậy, còn chúng ta thì luôn hy vọng và phải đợi chờ vậy thôi.

Về hiệu quả kinh tế-xã hôi dự án Giảng Võ mới

Khu triển lãm Giãng Võ đã thuộc Công ty CP VEFAC của Tập đoàn Vingroup và đã được phá dỡ để xây dựng dự án mới. Vậy dự án mới thuộc loại hình nào, quy mô ra sao và hiệu quả kinh tế-xã hội ở mức nào sẽ là vấn đề tiếp theo mà người dân muốn có thêm thông tin.

Vì không có đầy đủ số liệu đáng tin cậy nên trong bài viết này chỉ tập trung phản ánh những gì đã được công bố và phân tích đựa trên lý thuyết về chi phí cơ hội và phân tích chi phí lợi ích dự án.

Để tiếp cận chi phí cơ hội phải chỉ rõ:

  • Chi phí cơ hội của dự án nào
  • Các dự án thay thế
  • Các phương pháp tính toán

Để phân tích chi phí-lợi ích của dự án phải biết các giá trị:

  • Năm bắt đầu và tuổi thọ dự án
  • Chiết khấu
  • Dòng lợi ích theo thời gian
  • Dòng chi phí theo thời gian

Và để xét hiệu quả kinh tế-xã hội sẽ coi lợi ích, chi phí là của chung toàn xã hội (nghĩa là gộp dự án vào tổng thể chung của xã hội).  Dự án sẽ được xem xét dưới đây (gọi tắt là Dự án Giảng Võ mới) là dự án được Công ty VEFAC thiết lập trên mảnh đất trước đây là Khu Triển lãm Giảng Võ. Đây là Dự án thành phần thứ hai, với tên gọi Dự án Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Văn hóa tại số 148 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội được nêu trong phương án cổ phần VEFAC.

Hiện tại dự án Giảng Võ mới chưa thật sự đi vào xây dựng vì còn vướng mắc theo Nguyên tắc 2 của Phương án cổ phần hóa VEFAC nhưng tôi tin rằng Công ty VEFAC với sự giúp sức của Tập đoàn Vingroup thì dự án sớm bước vào khởi công xây dựng. Nếu được góp ý, xin “hiến kế”, “mách nước” một khu vực tạm thời có thể thay thế Khu Triển lãm Giảng Võ cũ với nhiều công năng tương xứng, đó là “Tổ hợp”  gồm Sân vận động Mỹ Đình + Khu vực, khoảng trống xung quanh + Khu vực phục vụ đua xe Công thức I + Cung Hữu nghị Việt - Trung với hạ tầng rất tốt, bãi đỗ xe rộng, ở ngay trung tâm, đã được mọi người biết đến. Nếu có cách nào đó liên kết được các hạ tầng hiện có ở đây, bố trí thêm một số hạng mục chuyên môn nữa thì có thể trình xin Bộ Văn hóa TTDL cho phép tổ chức hàng loạt triển lãm, sự kiện tại đây làm cơ sở (thỏa màn Điều kiện 2) xin phép xây dựng dự án Giảng Võ mới.

Ta sẽ xem xét hai bài toán có liên quan tới dự án này, một về tính toán chi phí cơ hội và hai là phân tích chi phí-lợi ích.

Xem tiếp  Kỳ 4: Dự án Giảng Võ mới dưới góc nhìn Kinh tế Môi trường

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết [Kỳ 3] Quá trình cổ phần hóa VEFAC diễn ra như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới