Thứ sáu, 22/11/2024 08:33 (GMT+7)
Thứ hai, 09/03/2020 07:19 (GMT+7)

Kỳ 1: Xi măng Sông Lam 'ung dung' tận thu khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Hai doanh nghiệp xi măng Sông Lam và Sông Lam 2 thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai đã có hàng loạt vi phạm trong hoạt động khai thác, sử dụng đá vôi, đá sét để sản xuất xi măng. Những vi phạm về giấy phép khai thác, vượt công suất, gian lận sản lượng… đã diễn ra trong thời gian dài.

Kỳ 1: Xi măng Sông Lam 'ung dung' tận thu khoáng sản - Ảnh 1
Hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn xi măng Vissai có nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác đá vôi, đá sét. (Trong ảnh: Mỏ đá vôi của xi măng Sông Lam)

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) cuối năm 2019 đã công bố kết luận thanh tra chuyên đề về việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng của các doanh nghiệp trên cả nước.

Kết luận thanh tra này đã chỉ ra hàng loạt vi phạm nổi bật của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam và Công ty cổ phần xi măng Sông Lam 2, đều thuộc Tập đoàn The Vissai đặt trụ sở tại tỉnh Nghệ An. Hai doanh nghiệp này đã tiến hành hoạt động khai thác mỏ không đúng trình tự khai thác như phê duyệt, thậm chí tập trung thu hồi khoáng sản nằm ngoài phạm vi mỏ, khai thác vượt công suất, “gian lận” sản lượng…

Ngày 13/7/2017, Công ty Sông Lam được Bộ TN&MT cấp 2 giấy phép khai thác mỏ đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại 3 xã Bài Sơn, Hồng Sơn, Văn Sơn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An trên diện tích là 36,8 hecta.

Trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác là 51,27 triệu tấn đá vôi, trữ lượng khai thác là 46,73 triệu tấn đá vôi trong thời gian 10 năm. Còn mỏ đất sét được khai thác trên diện tích 48 hecta trong thời gian 19 năm, trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 13,75 triệu tấn và trữ lượng khai thác là 12,72 triệu tấn.

Đoàn kiểm tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm của Công ty Sông Lam như chưa hoàn thành việc thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định nên chưa tiến hành xây dựng và khai thác mỏ sau 12 tháng kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực. Công ty đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền 7,86 tỉ đồng và nộp 59,6 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Cục thuế tỉnh Nghệ An trong 3 năm qua. Đối với hoạt động khai thác đá sét, công ty này cũng chưa khai thác do chưa hoàn thành thủ tục thuê mới, đã nộp tiền ký quỹ cải tạo môi trường và cấp quyền khai thác là 3,6 tỉ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, trong quá trình xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Lam và dự án khai thác mỏ đá vôi làm xi măng tại huyện Đô Lương, Công ty Sông Lam đã tiến hành thu hồi đá vôi, đá sét trong khu vực nhà máy, tuyến đường vận tải vào mỏ, bãi tập kết xe… đưa vào sản xuất xi măng.

Nhà máy xi măng Sông Lam (trước là Nhà máy xi măng Đô Lương) được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng từ ngày 15/6/2010, có tổng diện tích 42,11 hecta. Đến năm 2015, khi UBND tỉnh Nghệ An điều chỉnh mở rộng dự án này, bổ sung thêm 2,7 hecta đất đường công vụ, băng tải vận chuyển đá vôi từ mỏ về nhà máy, 5.676 m2 đá khai thác để làm đường. Tiếp đó, tỉnh lại cho mở rộng thêm 3,53 hecta làm bãi tập kết xe và 16 hecta làm đường vào mỏ đá vôi…

Tháng 9/2019, Công ty Sông Lam đã có văn bản lên Bộ TN&MT, Tổng Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam để xin thu hồi đá vôi, đá sét trong quá trình xây dựng các công trình đường, bãi xe… phục vụ sản xuất xi măng, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Thực tế, trong vòng 3 năm (2016-2018), Công ty Sông Lam đã thu hồi được 11.802.000 tấn đá vôi và 1.736.000 tấn đá sét để đưa vào sản xuất xi măng. Về nghĩa vụ tài chính, công ty này đã nộp tổng số tiền thuế tài nguyên phải nộp trong 3 năm tận thu khoáng sản là 95,37 tỉ đồng, phí bảo vệ môi trường là 44,29 tỉ đồng.

Tận thu khoáng sản… không cần giấy phép?

Sau khi được bổ sung thêm 22 hecta đất gắn liền nhà máy, Công ty Sông Lam chưa hoàn thành việc xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định. Công ty này cũng chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với sản lượng đã thu hồi tại khu vực đường vận tải, băng tải, bãi xe… và sử dụng thực tế hàng năm.

Dù vậy, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đã không xử phạt vi phạm của Công ty Sông Lam về hành vi chưa có giấy phép khai thác khoáng sản “tận thu” từ năm 2016 ở các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên. Cơ quan này giải thích rằng, trong quá trình triển khai các hạng mục công trình xung quanh Nhà máy xi măng Sông Lam, UBND tỉnh Nghệ An và các sở ngành đã liên tiếp ban hành các quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quy hoạch chi tiết 1/500 Nhà máy xi măng Sông Lam. Trong đó, ngoài 42,11 hecta diện tích nhà máy, Công ty Sông Lam được từng bước mở rộng thêm đường công vụ, đường băng tải, bãi tập kết xe… với tổng diện tích tăng thêm tới 22,23 hecta, bằng hơn một nửa tổng quy mô dự án Nhà máy xi măng Sông Lam.

Điều lạ lùng nữa, từ năm 2016 khi triển khai xây dựng Nhà máy xi măng Sông Lam và chưa được cấp 2 giấy phép khai thác mỏ thì Công ty Sông Lam đã “âm thầm” thu hồi đá vôi, đá sét trong khu vực xây dựng đường xá, bãi xe… Sản lượng thu hồi khoáng sản thực tế trong năm 2016 là 811.191 tấn, tăng lên tới 5,87 triệu tấn và 6,85 triệu tấn (đá vôi, đá sét) trong 2 năm sau đó. Đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất xi măng của nhà máy do khi đó các mỏ được cấp phép vẫn chưa khai thác.

Kỳ 1: Xi măng Sông Lam 'ung dung' tận thu khoáng sản - Ảnh 2
Không có nguồn nguyên liệu, Sông Lam đã thu hồi tới 13,54 triệu tấn khoáng sản để đưa vào sản xuất xi măng.

Lượng khoáng sản dạng “tận thu” này được dùng để sản xuất xi măng khi Nhà máy xi măng Sông Lam bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2016. Tổng sản lượng thu hồi khoáng sản lên tới 13,53 triệu tấn đã làm dấy lên nghi vấn về việc có hay không nguồn khoáng sản “dồi dào” nằm ngay trong khu vực 22 hecta được tỉnh Nghệ An đồng ý mở rộng thêm cho doanh nghiệp để làm đường, băng tải, bãi xe mà không cần xin giấy phép khai thác như dự án thông thường?

Hơn nữa, quy mô trữ lượng khoáng sản tại khu vực các dự án công trình gắn với nhà máy là bao nhiêu, có chênh lệch thất thoát hay không… lại chưa được đánh giá đầy đủ, cũng như chưa hề có báo cáo thăm dò khoáng sản, đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động thu hồi khoáng sản này.

Sau khi kiểm tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã yêu cầu công ty không tiến hành thu hồi đá vôi tại khu vực nằm ngoài diện tích của các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt.

Trong khi chưa hoàn thiện các thủ tục thuê đất và xây dựng, khai thác mỏ, Công ty Sông Lam đã “ung dung” thu hồi khoáng sản đá vôi, đá sét suốt 3 năm (2017-2018) mà không cần xin giấy phép khai thác, nhờ đó đáp ứng kịp thời nguyên liệu với chi phí rẻ cho Nhà máy xi măng Sông Lam hoạt động trong khi 2 mỏ chính lại trở thành “của để dành”.

Năm 2017, Công ty Xi măng Sông Lam đã bị xử phạt hành chính 300 triệu đồng do hành vi vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Năm 2019, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An tiếp tục xử phạt công ty này 110 triệu đồng, trong đó, hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa hiệu quả, chỉ tiêu Coliform vượt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép 17,4 lần.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Kinh hoàng Sông Lam 2 'gian lận' khai thác khoáng sản

Trung Hải

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 1: Xi măng Sông Lam 'ung dung' tận thu khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.