Thứ bảy, 23/11/2024 04:35 (GMT+7)
Thứ hai, 24/10/2022 06:55 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, tạo động lực cho những năm tiếp theo

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trong tháng 10/2022 đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong giai đoạn vừa qua.

Giải pháp giữ nào vững ổn định kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận trong quý III/2022, đạt mức tăng trưởng cao 13,7% so cùng kỳ năm 2021. Cũng nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp, nên cộng dồn 3 quý đầu năm 2022, chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế đạt 8,9% so cùng kỳ năm trước.

Với kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2022 hết sức ngoạn mục. Đây không phải ngẫu nhiên mà là một kết quả tất nhiên gần như là "nghệ thuật" điều hành kinh tế.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, tạo động lực cho những năm tiếp theo - Ảnh 1
Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận trong quý III/2022, đạt mức tăng trưởng cao 13,7% so cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa)

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc trong tuần này và đây cũng là chủ đề nổi bật trên các số báo ra trong tuần. Đáng chú ý là kỳ họp lần này sẽ diễn ra trong 21 ngày làm việc. Thời gian rút ngắn so với thông thường nhưng vừa phải xử lý khối lượng công việc lớn, vừa đảm bảo chất lượng.

Kỳ họp cuối năm nay diễn ra sau khi Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII thành công tốt đẹp. Như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cũng là mong đợi của cử tri, kỳ họp phải tiếp tục lan tỏa tinh thần, thành công của Hội nghị Trung ương 6, đưa ra những quyết sách đúng đắn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Như thông lệ của kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Trình bày báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dù trong bối cảnh nhiều thách thức nhưng tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 8%, trong khi mục tiêu là 6-6,5%.

Tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực... Điều này làm tiền đề cho Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau là 6,5% (Theo báo Tuổi trẻ)

Mốc tăng trưởng ấn tượng, điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Bình luận của nhiều đại biểu Quốc hội mốc tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8% là một mốc tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta. Để có kết quả này, Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt trong việc ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh họa hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19. Đó chính là quyết sách đem lại thành công ngày hôm nay - ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM bình luận.

Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chia sẻ, kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2022 là kết quả hết sức ngoạn mục. Đây không phải ngẫu nhiên mà là một kết quả tất nhiên, gần như là "nghệ thuật" điều hành kinh tế (Tờ Lao động thông tin).

Cũng phải nhắc lại, thành quả mà nền kinh tế đạt được trong 9 tháng qua là rất lớn. Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Thông tin từ báo chí cho biết, mới đây, Việt Nam là một trong số 4 nước trên thế giới được Moody’s nâng chỉ số tín nhiệm. Đây là động thái hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng đắn và hiệu quả của Đảng, Nhà nước để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.

Những kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật nêu trên tạo thêm thuận lợi, thời cơ để phát triển đất nước. Đây cũng là những chỉ dấu cho thấy, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tốc độ triển khai các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sẽ khó cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn mà báo Tiền phong đã khái quát qua hàng tít "Tăng trưởng chịu nhiều sức ép". Đó là việc ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng gia tăng. Tiền lương, thu nhập của người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục…

Với dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ… Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm sau, Chính phủ đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là Chính phủ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (Báo Thanh niên thông tin).

Trước dự báo, thời gian còn lại của năm nay và năm 2023 vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tạp chí Kinh tế vneconomy.vn dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định những quyết sách lớn để kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, tạo nền tảng mang tính căn cơ, dài hạn cho phát triển nhanh, bền vững.

Tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn

Tại kỳ họp này, nhiệm vụ lập pháp cũng rất quan trọng khi Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật khác, trong đó có việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Đất đai.

Cũng theo thông tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu khi thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh công lập, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ…

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững.

Với tác động phạm vi rất rộng, nhiều nội dung phức tạp và nhạy cảm, tiến trình sửa đổi Luật Đất đai phải làm tốt hai việc đó là đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân để đảm bảo chất lượng cao nhất của dự án luật. Nhiều vấn đề quả thực khó, nhưng điều quan trọng là Quốc hội xem xét, mổ xẻ chúng từ góc độ quyền lợi của đất nước, người dân và cả nền kinh tế, không bị ảnh hưởng, chi phối của các nhóm lợi ích.

Vướng mắc hiện nay lớn nhất nằm ở việc thu hồi đất, bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư và việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Vì thế, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa.

Các cơ quan của Quốc hội cũng luôn theo sát quá trình xây dựng dự án Luật này nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai.

Vì đây là dự án luật rất quan trọng, nên Quốc hội sẽ thảo luận hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, để giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

Để tránh tham nhũng trong việc giao đất, đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn lý do, sự cần thiết quy định về việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với một số trường hợp. Những vấn đề này cần phải được lý giải hết sức tường minh, tránh tiêu cực, tham nhũng trong việc giao đất, cho thuê đất.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Đất đai - dù đây là hai luật sửa đổi nhưng khi động đến những vấn đề mang tính "lõi" và phức tạp như quan hệ công - tư; vai trò nhà nước - vai trò thị trường thì sự thận trọng và bàn thảo kỹ lưỡng là cần thiết.

Nhiệm vụ lập pháp khá "nặng". Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác. Với khối lượng công việc lớn và nhiều nội dung quan trọng, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội chủ động, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung Quốc hội xem xét, quyết định.

Thông tin cũng cho hay, cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội, xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc; đồng thời trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình sẽ đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng, trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự và đưa ra các quyết sách đúng đắn.

Nhận định tình hình kinh tế thời gian tới, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta đã vượt qua áp lực về lạm phát ở quý II. Từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát sẽ không còn đe dọa nặng như giai đoạn trước. Bởi lẽ chi phí đẩy - yếu tố chính của lạm phát, các yếu tố đầu vào đã tương đối kiểm soát được. Chính sách điều hành tiền tệ vừa qua cũng "chắc tay". Nếu chúng ta tiếp tục duy trì chính sách chắc tay như thế thì chúng ta sẽ đưa tình hình lạm phát thấp.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, tạo động lực cho những năm tiếp theo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới