Thứ sáu, 22/11/2024 15:53 (GMT+7)
Thứ ba, 01/03/2022 15:00 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam có 'cú hích' lớn khi khôi phục hàng không quốc tế

Theo dõi KTMT trên

Hàng không Việt Nam hầu như đã mở của ở toàn bộ các đường bay. Do quy định phòng chống dịch, hiện nay thị trường sang Trung Quốc vẫn hạn chế. Việc khôi phục đường bay với Trung Quốc đang là vấn đề "nóng" hiện nay.

Doanh thu chủ yếu đến từ thị trường quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN – Bộ GTVT) thống kê, tháng 2/2022, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam điều hành 60.500 chuyến bay, tăng 157% so với tháng 2/2021. Trong số này, có 13.200 chuyến bay quá cảnh, tăng 67,4% so cùng kỳ. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không cả nước đạt hơn 6 triệu khách, tăng 57,8% so với tháng 2/2021. Trong số này, có 105.000 khách quốc tế, tăng 350% so với tháng 2/2021. Các hãng hàng không nội địa cũng vận chuyển hơn 3 triệu hành khách, tăng 56,8%, trong số này có 39.400 khách quốc tế, gần 3 triệu khách nội địa.

Kinh tế Việt Nam có 'cú hích' lớn khi khôi phục hàng không quốc tế - Ảnh 1
Doanh thu chủ yếu đến từ thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa)

Tại tọa đàm "Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới" vừa được Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, việc mở đường bay quốc tế là vấn đề sống còn đối với ngành Hàng không, không mở cửa sớm thì không cứu được các hãng hàng không, bởi hơn 70% doanh thu của các hãng là tới từ thị trường quốc tế. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2022, trong đó thị trường hàng không Việt Nam sẽ đón khoảng 42 - 43 triệu hành khách, trong đó có khoảng 8 triệu khách quốc tế, con số này dù chỉ đạt hơn 50% so với năm 2019, nhưng khá ấn tượng sau 2 năm đại dịch vừa qua.

CHKVN cũng thống kê, tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi-đến Việt Nam hiện nay là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày. Trong khi đó, tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày. Từ ngày 11/1-23/2, có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam. Con số này quá nhỏ nhỏ so với 4 triệu khách/tháng trong thời kỳ cao điểm năm 2019.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để khôi từng bước phục thị trường hàng không quốc tế, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tạo điều kiện về chính sách visa. Cần thiết phục hồi ngay như thời điểm trước dịch, nhất là vấn đề miễn visa cho hành khách tại các thị trường đối tác quan trọng, tiềm năng, thường xuyên.

Tháo gỡ các rào cản

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam, dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam hơn 2 năm qua đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là lĩnh vực hàng không. Chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và chuẩn bị mở cửa du lịch từ 15/3.

Những quyết định này tạo điều kiện để Hàng không Việt Nam từng bước khôi phục hoàn toàn các hoạt động bay, tăng năng lực cạnh tranh với hàng không khu vực và quốc tế.

Kinh tế Việt Nam có 'cú hích' lớn khi khôi phục hàng không quốc tế - Ảnh 2
Tháo gỡ các rào cản đường bay quốc tế. (Ảnh minh họa)

Còn theo lãnh đạo CHKVN, các hãng hàng không đã mở lại đường bay đến các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia... Riêng thị trường Trung Quốc hiện vẫn chưa thể khôi phục. Năm 2019, có đến hơn 7 triệu khách quốc tế đi trên đường bay Trung Quốc - Việt Nam. Do quy định phòng chống dịch, hiện nay thị trường này vẫn hạn chế. Việc khôi phục đường bay với Trung Quốc đang là vấn đề "nóng" hiện nay.

Trao đổi về những khó khăn cần tháo gỡ trong việc mở lại bay quốc tế và phục hồi hàng không, du lịch, kinh tế, ông Bùi Doãn Nề chia sẻ, thị trường hàng không sụt giảm trong 2 năm qua, nên phải từng bước khắc phục những "đứt gãy" bền vững và nhanh chóng các vấn đề cốt lõi của hàng không như: Chi phí di chuyển của hành khách sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bới dịch bệnh; kiểm soát dịch bệnh, tạo tâm lý an tâm bay; nâng cao chất lượng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đón đầu sự phục hồi; các chính sách thu hút du lịch... Vì vậy, ngành Hàng không, du lịch phải đồng hành cũng Chính phủ và các địa phương cùng tháo gỡ. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, thị trường hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 thời gian qua, đây cũng là dịp để hãng củng cố lại hệ thống mạng bay, tối ưu hoá đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển đổi số chuẩn hoá nhân sự... để sẵn sàng mở cửa.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam có 'cú hích' lớn khi khôi phục hàng không quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới