Kinh tế thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên khó khăn hơn
Theo hãng tin Bloomberg, nền kinh tế thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên khó khăn hơn do lãi suất cao hơn, căng thẳng địa chính trị lớn hơn và những bất ổn rõ ràng hơn.
Lãi suất tăng cao đang “đè nặng” lên nền kinh tế
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ vừa diễn ra ở thành phố New Orleans, các chuyên gia kinh tế, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Keneth Rogoff và chuyên gia Kristin Forbes - từng là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro dài hạn khi các nhà đầu tư ngày càng hy vọng vào khả năng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kìm chế lạm phát đang ở mức cao mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Giáo sư Rogoff thuộc Đại học Harvard cho rằng: “Chúng ta có thể đang ở bước ngoặt của nền kinh tế toàn cầu". Theo ông, sự thay đổi lớn hiện nay có thể là hậu quả của sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc vốn đã giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ gần đây.
Chuyên gia Kristin Forbes, Giáo sư thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng các chính sách ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra "các điểm yếu và rủi ro mới."
Theo bà, nợ chính phủ tăng mạnh đã làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính trong khi lãi suất chạm đáy trong bối cảnh dịch bệnh đã tạo ra bong bóng tài sản có thể nổ tung. Bà Forbes cho rằng những lỗ hổng như vậy có thể tự bộc lộ “sớm hơn là muộn” khi phí suất tín dụng tăng vọt.
Thậm chí, nhà kinh tế học Barry Eichengreen của Đại học California cảnh báo cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong một số vấn đề có thể gây ra những cú sốc kinh tế lớn hơn nhiều so với những cú sốc từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Một số chuyên gia kinh tế lại đưa ra những nhận định đi ngược lại quan điểm của Fed. Học giả đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cảnh báo việc thắt chặt tín dụng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và gần như không có tác dụng trong việc giảm lạm phát do những cú sốc nguồn cung bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Fed và các ngân hàng Trung ương khác duy trì quyết tâm kiềm chế lạm phát ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Chuyên gia Raphael Bostic cũng thuộc Fed cho biết ngân hàng Trung ương vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất, dù triển vọng không mấy chắc chắn.
6 khó khăn cần phải đối mặt
Nhận định về tình hình kinh tế thế giới trong năm 2023, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, có 6 rủi ro, thách thức chính mà kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt trong năm 2023. Thứ nhất, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác diễn biến phức tạp, khó lường.
Thứ 2, rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn còn hiện hữu. Thứ 3, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng chậm.
Thứ 4, lạm phát còn ở mức cao, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng còn diễn ra (ít nhất là hết quý 2/2023), khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái ngắn hạn ở một số quốc gia.
Thứ 5, thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu bất thường ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
Thứ 6, rủi ro tài chính (nợ công, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình, thanh khoản thị trường tài chính...) ở mức cao khi lãi suất còn cao và tỷ giá chưa giảm nhiều.
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Xuất khẩu có thể giảm trong quý I-II/2023, nhưng sẽ phục hồi và tăng vào quý III.
Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023.
Anh Thư