Thứ bảy, 23/11/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ ba, 04/07/2023 11:15 (GMT+7)

Kinh doanh khó khăn, hàng trăm đại lý bán lẻ xăng dầu muốn đối thoại trực tiếp với Thủ tướng

Theo dõi KTMT trên

Ngày 3/7, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh doanh và kiến nghị liên quan.

Nghị định về kinh doanh xăng dầu chậm sửa đổi

Theo đó, tại nội dung đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, TS Giang Chấn Tây cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề. Nguyên nhân chính xuất phát từ những bất cập của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC, trong đó, quy định tại các chính sách không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức dẫn đến doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Kinh doanh khó khăn, hàng trăm đại lý bán lẻ xăng dầu muốn đối thoại trực tiếp với Thủ tướng - Ảnh 1
Kinh doanh khó khăn, hàng trăm đại lý bán lẻ xăng dầu muốn đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.

Không chỉ có vậy, tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy, chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ.

Trước thực trạng đã nêu, theo TS Giang Chấn Tây, các doanh nghiệp bán lẻ hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo phải sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi này; đồng thời, đã gửi rất nhiều kiến nghị, góp ý đến Bộ Công Thương – đơn vị soạn thảo Nghị định. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị Nghị định mới cần phải quy định rõ chi phí định mức, tỷ lệ phân chia chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức ở các khâu, ghi rõ giá bán buôn tối đa, cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán…

Được biết, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đã có một số điểm mới, như cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống 7 ngày, doanh nghiệp được chủ động quyết về giá bán… Tuy nhiên, đến nay, đã hết quý II/2023, Nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành, bất chấp những chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ là phải khẩn trương hoàn thiện Dự thảo theo hướng “bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả” trình Chính phủ ban hành…

Mong muốn được đối thoại

Từ những vấn đề trên dẫn đến việc các doanh nghiệp bán lẻ vẫn tiếp tục nhận mức chiết khấu “ban phát” từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối thông qua sự quyết định của thương nhân đầu mối, tiếp tục chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ đã kéo dài suốt hơn một năm qua.

Đến nay, dù đã quá hạn trả lời theo quy định hiện hành, nhưng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn không có phản hồi cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về việc xem xét hoàn trả chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ngày 17/4/2023.

“Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị được gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Mục đích là được trực tiếp báo cáo với Thủ tướng về tình hình khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và kiến nghị về các nội dung cần thiết phải sửa trong Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu; đồng thời mong Thủ tướng sớm ban hành Nghị định để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng, bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng”, TS Giang Chấn Tây chia sẻ.

Khó khăn không chỉ riêng doanh nghiệp bán lẻ

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối mà doanh nghiệp đầu mối cũng khó khăn. Tất cả các khâu khi kinh doanh thua lỗ, bán ra càng nhiều thì đều muốn hạn chế không riêng gì thương nhân đầu mối. Chúng ta phải xử lý căn cơ vấn đề này thế nào?

Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương quan điểm sửa nghị định nhưng không vội vàng, cần sửa căn cơ, lâu dài, hướng tới thị trường hơn để giảm bớt cả khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn, không thể chạy theo những thay đổi quá nhanh chóng của thị trường.

Đối với kiến nghị Nhà nước phân chia chiết khấu cho các khâu, ông Đông cho rằng vấn đề này nếu quy định tức Nhà nước sẽ đi quá sâu vào hoạt động và quan hệ dân sự của từng doanh nghiệp.

"Còn giải pháp triệt để để tránh chiết khấu 0 đồng thì các yếu tố khách quan, biến động hàng ngày sẽ trả về nhiều hơn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tự chủ hoạt động của mình nhiều hơn, tự khắc câu chuyện chiết khấu sẽ được xử lý", ông Đông nói.

Kế Toại

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh khó khăn, hàng trăm đại lý bán lẻ xăng dầu muốn đối thoại trực tiếp với Thủ tướng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới