Thứ sáu, 26/04/2024 12:52 (GMT+7)
    Thứ năm, 24/06/2021 07:28 (GMT+7)

    Kinh doanh homestay tại chung cư: Nhập nhằng như codotel

    Theo dõi KTMT trên

    Việc đưa các căn hộ với mục đích xây dựng để ở trong chung cư thành cơ sở kinh doanh homestay là không đúng với bản chất của loại hình kinh doanh này được quy định trong Luật Du lịch.

    Nhiều chủ đầu tư cố tình làm sai?

    Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành công văn số 6529 về rà soát việc ngưng cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch tại các chung cư nhà ở trên địa bàn tỉnh.

    Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu đề xuất của Sở Du lịch tỉnh và có ý kiến đề xuất phương án xử lý, tham mưu cho UBND tỉnh trong tháng 6/2021.

    Trước đó, Sở Du lịch tỉnh đã có Tờ trình số 742 về các vấn đề kinh doanh lưu trú du lịch tại các chung cư. Theo đó, việc đưa các căn hộ với mục đích xây dựng để ở trong chung cư thành cơ sở kinh doanh homestay là không đúng với bản chất của loại hình kinh doanh này được quy định trong Luật Du lịch.

    Các căn hộ chung cư để kinh doanh homestay gây nhiều phiền phức cho các hộ dân thường trú tại đó, bất cập trong quản lý lưu trú, trong việc ứng phó sự lây nhiễm dịch bệnh. Nội quy cho khách thuê phòng không có các bộ phận chuyên môn mang tính nghiệp vụ như đăng ký lưu trú, nhận hoặc tiễn khách.

    Kinh doanh homestay tại chung cư: Nhập nhằng như codotel - Ảnh 1
    Nhiều căn hộ để ở trong chung cư biến thành cơ sở kinh doanh homestay. 

    Do vậy, khi khách đến thì ồn ào, đứng chật ở sảnh chung cư, gây phiền phức cư dân. Vào thang máy du khách chen lấn, ồn ào mất trật tự. Khi đã check in vào phòng du khách nói to, đùa nghịch, ăn nhậu, xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

    Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhà nước khuyến khích và không cấm đầu tư, kinh doanh cơ sở lưu trú theo loại hình căn hộ kinh doanh du lịch hoặc nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do thiếu những quy định cụ thể trong Luật Nhà ở, hoặc trong các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, nên nhiều nhà đầu tư không hiểu hoặc “cố tình” không hiểu để “nhập nhằng” trong việc biến các căn hộ trong chung cư nhà ở để kinh doanh du lịch homestay.

    Hiện chưa có đầy đủ khung pháp lý để quản lý các căn hộ kinh doanh lưu trú loại hình homestay; Việc cấp giấy phép kinh doanh thiếu chặt chẽ; Công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý chưa thường xuyên, thiếu các chế tài xử lý các vi phạm, gây khó khăn về quản lý. 

    Được biết, việc đưa các căn hộ với mục đích xây dựng để ở trong chung cư thành cơ sở kinh doanh homestay diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, không chỉ riêng Bà Rịa – Vũng Tàu. Chủ cơ sở kinh doanh tích cực quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tìm kiềm nguồn khách hàng. Tuy nhiên, hiện chưa có địa phương nào có yêu cầu rà soát như Bà Rịa – Vũng Tàu. 

    Nguy cơ hệ lụy như condotel?

    Loại hình homestay biến tướng từ các căn hộ chung cư khiến nhiều người lo ngại nguy cơ gây thất thu ngân sách Nhà nước như đối với căn hộ khách sạn - condotel. 

    Trước đó, nhiều chuyên gia pháp lý phân tích, người mua sản phẩm tại các dự án condotel chỉ có quyền sử dụng đất có thời hạn (theo thời hạn thuê đất của dự án). Nhưng một số chủ đầu tư đã cam kết với nhà đầu tư thứ cấp (người mua) sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. 

    Kinh doanh homestay tại chung cư: Nhập nhằng như codotel - Ảnh 2
    Condotel nhập nhằng về pháp lý. 

    Theo Bộ Xây dựng, về cấp Giấy chứng nhận (GCN) đối với loại hình bất động sản condotel đa số cá nhân, tổ chức mua đều được cấp GCN sở hữu có thời hạn. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã cấp GCN sở hữu lâu dài cho loại hình này không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

    Việc này liên quan đến tài chính đất đai, vì sử dụng đất thuê để bán với giá đất ở sẽ gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

    Tương tự, loại hình homestay trong chung cư có bản chất là kinh doanh dịch vụ. Nếu ngay từ khi bắt đầu dự án, chủ đầu tư "cố tình" không hiểu để phát triển kinh doanh dịch vụ lưu trú trong căn hộ chung cư, từ đó dẫn đến việc xác định thuế đất không đúng.

    Bên cạnh đó, homestay trong chung cư còn có thể dẫn tới xung đột pháp lý nếu như dự án đó bị các đơn vị thanh tra, kiểm tra phát hiện ra hoạt động sai mục đích so với giấy phép được cấp ban đầu; Hoặc phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, biến động dân số và gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng xung quanh...

    Đây cũng là vấn đề mà condotel đang mắc phải, khi mà loại hình bất động sản này chưa rõ ràng về hành lang pháp lý và sự mập mờ của các chủ đầu tư đã khiến cho nhiều khách hàng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro khi kinh doanh.

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, việc cấp GCN sở hữu lâu dài cho loại hình condotel sẽ làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất. Condotel là sản phẩm của dự án du lịch nghỉ dưỡng, được xây dựng trên loại đất sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ với thời hạn thuê đất không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm và khi hết hạn thì được xem xét gia hạn nếu có nhu cầu.

    Thanh Anh

    Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh homestay tại chung cư: Nhập nhằng như codotel. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới