Kiến nghị tăng kinh phí hỗ trợ tiền thuê trọ, xây dựng nhà ở công nhân
Nhiều đại biểu trong phiên thảo luận Quốc hội tiếp tục Kỳ họp bất thường cho rằng, cần mở rộng gói kinh phí hỗ trợ thuê nhà trọ và đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, dành khoản kinh phí thoả đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ngày 7/1 vừa qua, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhắc lại tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm qua 4 đợt dịch vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn đối với người lao động. Chỉ tính riêng quý III/2021 cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc.
Có thể thấy, biến thể Delta đã cuốn đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động ở vùng Đông Nam Bộ, đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cũng khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê, dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam, nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động đều bị thu hẹp.
Gói kinh phí hỗ trợ thuê nhà trọ cần mở rộng
Khó khăn do dịch bệnh nói trên, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các chính sách liên quan đến người lao động và thị trường lao động. Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, khẩn trương và cầu thị trong quá trình xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ.
Bà Thủy nhận định, chưa khi nào Việt Nam chứng kiến nhiều khó khăn với người lao động và thị trường lao động như thời gian qua.
"Kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức. Hiện nay dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp".
Với thực trạng đó, bà Thủy kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức. Hiện nay dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp. Đồng thời đại biểu tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị dành một khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cùng có ý kiến về gói hỗ trợ nhà ở cho người lao động, cho rằng, cần tăng nguồn thu tiết kiệm chi năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, cần nói rõ đối tượng lao động là đối tượng nào để tránh mỗi nơi tùy tiện hỗ trợ, người được hỗ trợ, người không được, như công nhân, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.
Bà Hoàng Thị Đôi, đại biểu tỉnh Sơn La đồng tình với bà Thủy cũng cho rằng, đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ 6,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động còn chưa toàn diện và tương đối hẹp, chưa tính đến lực lượng lao động phi chính thức.
“Người lao động phi chính thức Việt Nam rất đông, chiếm tỷ lệ trên 54% lao động và những người này cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề và gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Mặc dù việc xây dựng chính sách sẽ tăng thêm nguồn lực, tuy nhiên về tổng thể đây là chương trình trung hạn nhưng là bước đệm cho phát triển dài hạn các giai đoạn tiếp theo”.
Chính vì thế, đại biểu tỉnh Sơn La đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ người lao động toàn diện, dài hơi và bền vững về việc làm cả ở khu vực trung tâm thu hút lao động chính thức, lao động phi chính thức và tại các địa phương khi có bộ phận lao động di chuyển về quê trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thêm nhiều nguồn lực cho đào tạo nghề
Cùng với việc hỗ trợ người tiền thuê nhà trọ, vấn đề đào tạo nghề cho người lao động cũng được nhiều đại biểu đề cập. Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, đại biểu tỉnh Thái Bình, việc đầu tư hỗ trợ cung cấp nguồn lao động, phát triển các trường chất lượng cao là quan trọng. Vấn đề này rất cần thiết và tính kết nối của chương trình trong việc cung ứng lao động cho việc phục hồi kể cả trước mắt và lâu dài.
Bà Dung ủng hộ việc đề xuất hỗ trợ việc làm, triển khai chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp để nâng cao năng lực đáp ứng trong tương lai là hội nhập quốc tế. Cũng như tăng cường năng lực đào tạo như xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng giảng viên cho các trường nghề chất lượng cao ở các vùng tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và cần nhiều lao động cho phục hồi kinh tế.
"Chính phủ cần nghiên cứu kỹ để làm sao tập trung nguồn kinh phí này cho những chương trình có khả năng hấp thụ cao. Bởi vì, chương trình này chỉ trong năm 2022-2023".
Bà Dung lấy ví dụ, đối với các trường nghề chất lượng cao thì không phải đến chương trình phục hồi này mới đề xuất. Việc phát triển trường chất lượng cao đã được chuẩn bị trước đấy và được sự chỉ đạo của Bộ LĐ – TB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường đã sẵn sàng tiếp thu nguồn vốn này.
Đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: “Nguồn vốn này không phải mới mà nó là cả một quá trình. Khi có nguồn vốn này thì các trường chất lượng cao đảm bảo có năng lực hấp thụ rất cao. Đây là một trong những sự chuẩn bị rất tốt, không những đáp ứng cung ứng dao động trước mắt mà còn cả lâu dài sau này”.
Một ý kiến khác đến từ đến từ đại biểu tỉnh Lào Cai về phân bổ nguồn lực đối với lao động và việc làm, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, các doanh nghiệp cũng đã tích cực đổi mới tăng trưởng và tăng năng suất, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, nguồn lực chất lượng cao.
Từ năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025. Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các trường chất lượng cao cũng đã được bộ, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng triển khai đầu tư khi được bố trí vốn.
"Chính phủ ưu tiên ngay ngân sách trong chương trình này để tập trung đầu tư phát triển một số trường chất lượng cao tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm cung cấp nguồn chất lượng cao phát triển thị trường lao động".
Chính vì vậy, bà Anh bày tỏ mong muốn Chính phủ ưu tiên ngay ngân sách trong chương trình này để tập trung đầu tư phát triển một số trường chất lượng cao tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm cung cấp nguồn chất lượng cao phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của quá trình phục hồi kinh tế và mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Bùi Hằng (T/h)