Kiến nghị loạt cơ chế tạo đà cho doanh nghiệp chuyển đổi taxi điện
Hàng loạt cơ chế liên quan đến chính sách, hạ tầng được doanh nghiệp kiến nghị để có điều kiện đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi taxi điện.
Cần cơ chế ưu đãi trong nhập khẩu xe điện
Chiều ngày 21/3, Hiệp hội Taxi Hà Nội tổ chức Hội nghị áp dụng và thử nghiệm xe điện nhằm chuyển đổi xe sử dụng xăng/dầu sang xe điện.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã phát triển thành công loại hình xe điện với nhiều ưu điểm: an toàn, thuận lợi, giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, để việc chuyển đổi xe điện của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đảm bảo tính khả thi, trước mắt cần lựa chọn, thử nghiệm nhà cung cấp, đánh giá các sản phẩm để đảm bảo lợi ích của các bên.
Khẳng định hiệp hội luôn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp và nhà nước trong chuyển đổi sang taxi điện, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng nhà nước xem xét, áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi trong nhập khẩu xe điện, thuế nhập khẩu, tránh tình trạng độc quyền.
"Việc quy hoạch trạm sạc điện cũng cần đảm bảo tính lâu dài, phù hợp quy hoạch đô thị, đảm bảo an toàn, phòng chóng cháy nổ", ông Hùng nói.
Bên cạnh đề xuất về chính sách, ông Phạm Anh Quân cũng kiến nghị TP Hà Nội cần tạo điều kiện tối thiểu cho taxi có điểm đỗ, điểm dừng ở các nhà ga, trung tâm thương mại... giúp loại hình taxi phát triển hơn nữa trong chuỗi cung ứng vận tải, tạo nguồn lực cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi loại hình phương tiện từ “taxi xăng” sang “taxi điện”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Tuấn Anh, Giám đốc Taxi Thành Lợi cho biết, để tạo thuận lợi cho taxi hoạt động, góp phần giảm ùn tắc giao thông, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã cùng các cơ quan liên ngành tham mưu, xem xét đề nghị cấp thêm 63 điểm đỗ cho taxi trong TP Hà Nội.
“Tính đến nay, có 27 điểm được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Các điểm còn lại đang được khảo sát, xem xét.
Đáng nói, trong 6 điểm đỗ đã được cấp phép tại một số khu vực như: đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo lại không có nhiều tài xế đỗ, khiến một số tài xế của các loại hình vận tải khác lợi dụng điểm đỗ”, ông Tuấn Anh thông tin và công tác truyền thông cần được tăng cường để các tài xế taxi nắm được thông tin, hoạt động tại các điểm đỗ một cách hiệu quả.
Dỡ bỏ lệnh cấm theo giờ, tăng sự "phủ sóng" của taxi
Chia sẻ thêm tại hội nghị, theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, trong giai đoạn dịch Covid-19, các loại hình vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài trừ vận tải hàng hóa được duy trì để đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất, có 4/5 loại hình vận tải bị tê liệt. Trong đó, taxi là một trong những loại hình vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Sau giai đoạn Covid-19, mọi thứ vẫn khó khăn khi tỷ trọng lãi suất của ngân hàng ở mức cao (khoảng 15%) khiến việc đầu tư, tái đầu tư phương tiện của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể, trong hơn 10 năm qua, taxi dù là loại hình vận tải được người dân sử dụng nhiều nhất, nhà nước không phải trợ giá, song vẫn chịu nhiều cơ chế quản lý của nhà nước, đặc biệt là việc hạn chế khung giờ và cấm xe vào một số tuyến phố”, ông Hùng nói và cho biết, nhằm hướng tới lợi ích của người tiêu dùng, tăng cường kết nối các hệ thống phương tiện, Hiệp hội taxi Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, dỡ bỏ lệnh cấm đối với một số tuyến phố, xem xét quy hoạch thêm các điểm đỗ cho xe taxi.
Đồng tình về đề xuất bỏ quy định cấm taxi theo giờ, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, nếu coi taxi là loại hình vận tải công cộng thì cần có sự ưu tiên. "Khi taxi hoạt động rộng khắp với giá cả phù hợp, phương tiện cá nhân có thể sẽ giảm bớt", ông Quyền nhận định.
Theo Báo Giao thông