Thứ sáu, 19/04/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ hai, 10/04/2023 06:31 (GMT+7)

Kiến nghị điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua,UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Đây là cơ sở hoàn chỉnh, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

Nội dung trên nằm trong văn bản khẩn vừa được UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các dự án đường cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP trên địa bàn TP.HCM.

Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ cập nhật phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

Kiến nghị điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài - Ảnh 1
Nút giao An Sương là điểm khởi đầu của quốc lộ 22 tại TP.HCM - tuyến đường độc đạo nối TP.HCM đi Tây Ninh

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án để phân bổ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương để đảm bảo giải ngân trong năm 2025, khoảng 2.900 tỉ đồng.

Theo UBND TP.HCM, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án hơn 7.400 tỷ đồng (chiếm 44% tổng mức đầu tư), riêng tại TP.HCM hơn 5.900 tỷ, còn lại ở Tây Ninh. Hai địa phương sẽ tự bố trí 4.500 tỷ đồng còn lại sau khi được Trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP.HCM cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án vành đai 4 TP.HCM và thống nhất với nội dung kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải.

Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 50 km, bắt đầu từ điểm giao tỉnh lộ 15 với Vành đai 3, kết nối với quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Dự án được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu với tổng diện tích hơn 435 ha, hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, tuyến được xây dựng trước 4 làn xe, sau đó sẽ mở rộng lên 6-8 làn. TP.HCM được giao chủ trì xây dựng tuyến đường.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 16.700 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia dự án là kinh phí giải phóng mặt bằng. Phần còn lại gần 9.300 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tuyến cao tốc khi hình thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông Xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh ông Nguyễn Tấn Tài, về điểm kết nối thông tuyến với cao tốc Phnom Penh - Bavet, Bộ Giao thông vận tải sẽ thành lập một tổ công tác phối hợp với Campuchia để hai bên bàn bạc các điểm kết nối. Tổ công tác sẽ có sự tham gia của các địa phương, các bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.

Các điểm kết nối này mang tầm cỡ quốc gia, cũng như quan trọng nhất là tận dụng được hạ tầng cửa khẩu hiện hữu. Sau khi thông tuyến, thời gian đi lại từ TP.HCM, Tây Ninh và Campuchia sẽ rút ngắn rất nhiều, tạo sự thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế...

"Phía cao tốc bên Campuchia được thiết kế quy mô hoàn chỉnh với vận tốc 120km/h. Bên Việt Nam cũng vậy, sẽ làm bốn làn xe, vận tốc thiết kế là 120km/h tạo nên sự đồng bộ xuyên suốt. Việc này sẽ rút ngắn được thời gian đi lại. Còn vấn đề kiểm tra giấy tờ thông quan thì hải quan hai nước sẽ phối hợp. Làm sao để tổ chức được việc kiểm soát qua lại biên giới phù hợp, thuận tiện, không tốn nhiều chi phí, thời gian cho xe cộ nhưng phải đảm bảo được về mặt an ninh", ông Tài cho biết thêm.

Thanh Thanh

Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới