Thứ bảy, 23/11/2024 06:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/02/2020 09:50 (GMT+7)

Kiềm chế sức ép tăng chỉ số giá tiêu dùng

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo Chính phủ về tình hình giá cả tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính cho biết, kịch bản điều hành giá trong quý I được nhận định có nhiều khó khăn, làm tăng áp lực lên mặt bằng giá.

Kiềm chế sức ép tăng chỉ số giá tiêu dùng - Ảnh 1
Người dân mua thịt lợn tại chợ Bà Chiểu (TP. Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, cơ quan quản lý mới chỉ đánh giá nguyên nhân tăng chủ yếu từ giá thịt lợn và xăng dầu. Hiện tại, những tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV được dự báo sẽ tăng thêm áp lực lên mặt bằng giá cả thị trường.

Giá cả tăng cao

Qua tổng hợp mặt bằng và diễn biến giá một số mặt hàng thiết yếu tại các địa phương trọng điểm, Bộ Tài chính nhận định, ngoại trừ mặt hàng lương thực, hàng thực phẩm chế biến, giá trông giữ ô tô tại các điểm vui chơi, đền chùa,... giữ ổn định tương đối, còn giá thịt lợn và các thực phẩm tươi sống khác, mặt hàng rau củ, trái cây giữ ở mức giá cao. Tuy cơ quan quản lý đã vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm và người tiêu dùng cũng chuyển hướng lựa chọn, thắt chặt chi tiêu nhưng mặt bằng giá của các hàng hóa này vẫn chưa có dấu hiệu giảm, dẫn đến việc hình thành mặt bằng giá mới, trong khi lỗi không phải do nguồn cung hiếm như kết luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ðiều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, mà còn tác động không nhỏ lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và thị trường trong nước. Trên thực tế, CPI tháng 1 vừa qua đã tăng khá cao, tăng 1,23% so với tháng 12/2019. Ngoại trừ các yếu tố tăng giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo thông lệ hằng năm (thường chỉ tăng cục bộ trong tháng Tết) thì nguyên nhân chủ yếu gây tác động làm tăng CPI là từ nhóm thực phẩm. Với mức tăng tới 2,6%, giá thực phẩm tăng quá cao khiến cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% so với tháng 12/2019, đẩy CPI chung tăng khoảng 0,2%.

Từ ngày 1/1, giá ga tăng gần 50.000 đồng/bình loại 12 kg đã khiến chỉ số giá ga tăng hơn 14% so với tháng 12/2019. Ðặc biệt, đối với mặt hàng thịt lợn, tuy không còn ở mức đột biến như thời gian trước, nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000 đến 86.000 đồng/kg lợn hơi), tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường.

Như vậy, với diễn biến CPI tháng 1 tăng cao tuy đã được dự báo trước và hiện vẫn trong kịch bản điều hành nhưng với mức cao (tăng 1,23%) sẽ gây nhiều khó khăn cho điều hành giá quý I cũng như cả năm 2020. Cục trưởng Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho hay, để đạt mục tiêu CPI dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, với diễn biến mặt bằng giá của nhóm hàng thực phẩm như hiện nay, không phát sinh những diễn biến khác thì theo tính toán số học, bình quân mỗi tháng còn lại trong năm CPI sẽ phải tác động giảm khoảng 0,12%.

Căn cứ giả định, nếu mặt bằng giá chung không có biến động lớn, chỉ điều hành giá dịch vụ y tế, tăng tiền lương cơ sở, điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình đã đề ra trong kịch bản từ đầu năm thì phải kiểm soát chặt chẽ mặt bằng giá của quý I, giảm CPI tháng 2 và tháng 3, trong đó chủ yếu tập trung điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, thịt lợn và phải tính đến yếu tố thị trường là giá ga, mặt hàng ăn uống ngoài gia đình sau Tết. Theo chia sẻ của nhiều bà nội trợ trong gia đình, giá cả các mặt hàng thực phẩm sau Tết tăng cao và số lượng cũng rất ít. Ðơn cử, thịt bò thăn giá lên khoảng 600.000 đồng/kg, rau hành giá tăng gấp năm lần so ngày bình thường trước Tết.

Rau tại các siêu thị, trung tâm thương mại tuy giữ giá ổn định, song hết rất nhanh; còn ở chợ truyền thống, giá bán thông thường cao hơn hẳn so với dịp trước Tết. Nhiều người phỏng đoán do dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV, một số người dân lo lắng thái quá, có xu hướng "vét sạch hàng hóa" ngoài chợ, mặt khác do mưa lớn trái mùa trong mấy ngày Tết đã khiến nhiều diện tích rau quả của người dân bị hư hỏng.

Quyết liệt kiềm chế tăng giá

Ngay những ngày đầu tiên của năm mới, để giảm tốc độ tăng giá của một số mặt hàng có mức tăng vô lý, Chính phủ đã yêu cầu triển khai quyết liệt hơn các biện pháp để điều hành mặt bằng giá giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3. Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu giá thịt lợn giảm 10% trong tháng 2 sẽ giúp CPI bình quân hai tháng đầu năm chỉ tăng 5,62% so cùng kỳ năm trước và CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4,59%. Nếu giá thịt lợn giảm thêm 8% đến 10% trong tháng 3, sẽ giúp CPI bình quân quý I chỉ tăng khoảng 5,32% so cùng kỳ và CPI bình quân cả năm trong mức khoảng 4,22%. Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế hiện nay, việc điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát, CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn. Do đó, nếu không có chỉ đạo điều hành ngay từ quý I thì càng khó cho những tháng còn lại của năm.

Với giá xăng dầu được điều hành ổn định và giảm nhẹ; giá ga dự báo giảm từ tháng 3 theo quy luật hằng năm,... thì cần phải đồng thời áp dụng các biện pháp quyết liệt ngay từ tháng 2 nhằm kiểm soát, ổn định giá cả các nhóm hàng hóa có tác động lớn tới CPI. Mặt khác, dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV sẽ tác động lớn tới sức tiêu thụ của thị trường đối với các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giao thông, du lịch, lễ hội,... khiến CPI khoảng 3,95%, đạt mục tiêu dưới 4% nhưng cần cảnh giác khả năng tụt giảm sức mua thái quá do dịch bệnh kéo dài.

Chính vì vậy, ngoài tổ chức thực hiện quản lý, điều hành giá theo quyết định của Ban Chỉ đạo giá quốc gia, cần có sự phối hợp, thực thi nghiêm túc và quyết liệt các giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chức năng. Ðối với nhóm hàng thực phẩm (nhất là thịt lợn), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công thương, chỉ đạo các doanh nghiệp có giải pháp bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn một cách kịp thời.

Các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt điều hành cung - cầu, xử lý nghiêm các khâu trung gian có hành vi "đẩy giá, găm hàng", quyết liệt đưa giá thịt lợn hơi giảm 10% trong tháng 2 và tiếp tục giảm trong tháng 3, trở về mức 60.000 - 65.000 đồng/kg lợn hơi và các tháng tiếp theo kỳ vọng giảm về mức 45.000 - 50.000 đồng/kg (mức bình thường trước khi có dịch), tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ. Bên cạnh đó, cần công khai các thông tin một cách khách quan, toàn diện, chính xác đến người dân về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu cũng như minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào (nhất là các vật tư quan trọng liên quan sản xuất và đời sống người dân) để ổn định tâm lý người tiêu dùng. Kiểm soát lạm phát kỳ vọng cũng cần được xác định là giải pháp trọng yếu, tạo sức ép của dư luận xã hội đối với hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người tiêu dùng đối với ổn định giá cả thị trường.

Sông Trà

Bạn đang đọc bài viết Kiềm chế sức ép tăng chỉ số giá tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới