Thứ sáu, 04/10/2024 02:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/09/2020 09:15 (GMT+7)

Kích cầu du lịch nội địa - Vì một Việt Nam an toàn, hấp dẫn

Theo dõi KTMT trên

Để thu hút du khách, cần có nhiều chương trình kích cầu du lịch, khuyến mãi, liên kết để các sản phẩm hấp dẫn, mang nét đặt trưng từng điểm đến, tạo vòng tròn khép kín.

Kích cầu du lịch nội địa - Vì một Việt Nam an toàn, hấp dẫn - Ảnh 1
Du lịch khởi sắc, hấp dẫn du khách nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí an toàn. (Ảnh minh họa)

Chương trình kích cầu du lịch lần 2 đang được Tổng cục Du lịch khởi động với thông điệp "an toàn" và "hấp dẫn".

Làm thế nào để du lịch khởi sắc, hấp dẫn du khách nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí an toàn, đó là nội dung của hội nghị "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch tổ chức vào chiều 24/9.

Tọa đàm có ba phiên thảo luận gồm: Phiên 1 – Du lịch Việt Nam an toàn và Phiên 2 – Du lịch Việt Nam hấp dẫn. Cuối cùng, ở phiên 3, các bên sẽ cùng thảo luận để tìm ra giải pháp cho ngành du lịch trong mùa cuối năm 2020.

Sự kiện hướng đến mục tiêu đánh giá xu thế thị trường, nhu cầu mới của khách hàng để tìm ra giải pháp tức thời cho doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, tạo đà hồi phục bất động sản du lịch, đảm bảo tâm lý an tâm cho chủ đầu tư.

"An toàn" và "Hấp dẫn" là nội dung chính được thảo luận tại tọa đàm này. Để tìm ra giải pháp bảo đảm an toàn cho ngành du lịch, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, đại diện Bộ Y tế đã chia sẻ các nguyên tắc an toàn cơ bản cần đáp ứng tại các địa điểm vui chơi, giải trí, khu du lịch, lưu trú... Bên cạnh đó, đại diện các địa phương trình bày về các giải pháp an toàn cho điểm đến, những lợi thế và khó khăn tại điểm đến. Doanh nghiệp cũng chia sẻ các giải pháp đã áp dụng trong hệ thống của mình. Đại diện Tổng cục Du lịch nhấn mạnh các yêu cầu về an toàn với các dịch vụ, sản phẩm của ngành với địa phương, doanh nghiệp.

Ở phiên hai, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, đại diện Tổng cục Du lịch chia sẻ về kế hoạch phù hợp với nhu cầu và tâm lý khách thời kỳ bình thường mới. Những địa phương du lịch hồi phục tốt như Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết, TP.HCM, Hà Nội... cần có những sản phẩm mới như các hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí, thể thao về đêm giúp kích cầu, góp phần phát triển du lịch.

Ngoài ra, để thu hút du khách, đại diện các cụm địa phương và doanh nghiệp thảo luận về những chương trình kích cầu, khuyến mãi, liên kết để các sản phẩm hấp dẫn, mang nét đặt trưng từng điểm đến, tạo vòng tròn khép kín.

Ví dụ, hệ thống khách sạn cao cấp Vinpearl (thuộc tập đoàn Vingroup) đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, gói dịch vụ... với chi phí hợp lý, như: Các kỳ nghỉ trọn gói đã bao gồm vé máy bay, nghỉ dưỡng, voucher đồng giá... có mức ưu đãi giảm đến 50%; xây dựng sản phẩm mới tại Phú Quốc, Nha Trang, Nam Hội An, đồng thời đơn vị này tập trung đẩy mạnh mảng du lịch hội họp (MICE). Bên cạnh đó, Vinpearl xác định mục tiêu phát triển các điểm đến du lịch cao cấp tầm cỡ khu vực và thế giới, với Vinpearl Phú Quốc trở thành điểm phải đến của Việt Nam và thế giới với hàng loạt dịch vụ, sản phẩm quy mô và tầm cỡ, riêng Vinpearl Nha Trang sẽ sớm trở thành “đảo du lịch” đẳng cấp của Việt Nam và khu vực cả về dịch vụ, trải nghiệm và đối tượng du khách.

Tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu du lịch thực tế của người dân. Tuy nhiên, khác với đợt kích cầu lần 1 với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", đợt kích cầu du lịch nội địa lần 2 này, ngành Du lịch phát đi thông điệp rõ ràng hơn đó là "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" phù hợp với việc phòng, chống dịch trong "tình hình mới".

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: "Chương trình kích cầu lần này, các đơn vị phải bảo đảm du lịch an toàn, khách du lịch ý thức thực hiện an toàn phòng, chống dịch".

Tiêu chí thế nào là "an toàn" và làm thế nào để bảo đảm an toàn được các doanh nghiệp, đơn vị đưa ra khá rõ ràng trong hội nghị. Theo ông Vũ Nguyên Khôi, Trưởng Ban Tiếp thị và chuyển đổi số của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, đối với các chuyến bay, việc bảo vệ cho phi hành đoàn và hành khách luôn được đặt lên hàng đầu bằng cách thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Hành khách được yêu cầu khai báo y tế trước mỗi chuyến bay, khuyến khích check-in, làm thủ tục trực tuyến trên app, website, tổng đài... để bảo đảm giãn cách xã hội. Đơn vị cũng cam đoan sẽ thực hiện an toàn tuyệt đối cho 156 chuyến bay đưa người lao động từ nước ngoài về nước, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc.

Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho rằng, không chỉ có các đơn vị cung cấp dịch vụ, điểm đến thực hiện các biện pháp du lịch an toàn mà du khách cần phải có ý thức, hợp tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo "thông điệp 5K" của Bộ Y tế. Theo bà Hương, biện pháp hiện nay là các đơn vị lữ hành, điểm đến vẫn phải tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và cung cấp cho du khách những vật dụng phòng, chống dịch cơ bản như khẩu trang, nước sát khuẩn tay.

Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại hội nghị đó là bên cạnh yếu tố "an toàn", các đơn vị cần làm gì để du lịch Việt Nam "hấp dẫn", nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh lúc này các đơn vị càng cần phải phát huy sức mạnh của liên minh du lịch đã được hình thành từ giai đoạn trước. "Chỉ có liên minh, liên kết thì các đơn vị mới cho ra được những sản phẩm du lịch chất lượng với giá hợp lý", ông Bình nói.

Bên cạnh các biện pháp thực hiện an toàn, hấp dẫn cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn kích cầu lần 2, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, để du lịch thật sự hồi phục và phát triển bền vững, các cơ quan quản lý du lịch nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ; tập trung đào tạo nguồn nhân lực tốt cho ngành du lịch.

Nhật Nam

Bạn đang đọc bài viết Kích cầu du lịch nội địa - Vì một Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.