Khu nhà ở thấp tầng dự án Green Pearl 378 Minh Khai, Hà Nội: Quy hoạch chung đang bị phá vỡ?
Quy hoạch chi tiết 1/500 và giấy phép xây dựng khu thấp tầng của Green Pearl 378 Minh Khai thể hiện khu thấp tầng có 69 lô liền kề, biệt thự. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 61 lô được triển khai xây dựng, một số lô có dấu hiệu hợp khối không đúng quy hoạch được duyệt!
Dự án Green Pearl do Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phong Phú – Daewoo – Thủ Đức làm chủ đầu tư với tổng diện tích 28.765m2 ở địa chỉ 378 Minh Khai (Hà Nội). Trong đó, diện tích xây dựng 90.453m2; Mật độ xây dựng 37,31%. Tại khu cao tầng gồm 2 tòa chung cư và trung tâm thương mại 21 tầng – 504 căn hộ. Khu biệt thự, liền kề, diện tích đất 12.925,5m2, diện tích xây dựng 4.739,4m2. Khu trường học quốc tế, diện tích đất: 2.900m2, diện tích xây dựng 1.160m2.
8 lô biệt thự, liền kề đang ở đâu?
Toàn cảnh dự án Dự án Green Pearl ở địa chỉ 378 Minh Khai. |
Giấy phép xây dựng số 151/GPXD-UBND ngày 29/3/2016, UBND quận Hai Bà Trưng cho phép: “Chủ đầu tư được xây dựng 69 căn nhà ở thấp tầng hệ khung cột dầm sân BTCT chịu lực, tường xây gạch 110mm và 220mm trên các lô đất, cụ thể:
Nhà thấp tầng No1A (ô đất số 02) tổng số 30 căn hộ: Cốt cao độ nền tầng 1 cao hơn hè thiết kế là 0,45m. Diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 1.757,6m2. Tổng diện tích sàn xây dựng: 5.447,4m2(không kể diện tích tum thang). Tổng chiều cao công trình 13,8m. Tầng 1=3,6m; Tầng 2=Tầng 3=3,3m. Số tầng: 3 tầng+tum thang. Trong đó, lô A3 gồm 4 căn có diện tích đất phân lô lớn nhất là 133,60m2. Diện tích xây dựng 79,60. Mật độ xây dựng 60%.
Nhà thấp tầng No1B (ô đất số 02) tổng số 19 căn hộ: Cốt cao độ nền tầng 1 cao hơn hè thiết kế là 0,45m. Diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 1.062,7m2. Tổng diện tích sàn xây dựng: 3.287,9m2 (không kể diện tích tum thang). Tổng chiều cao công trình 13,8m. Tầng 1=3,6m; Tầng 2=Tầng 3=3,3m. Số tầng: 3 tầng+tum thang.
Nhà thấp tầng No2 (ô đất số 03) tổng số 20 căn hộ: Cốt cao độ nền tầng 1 cao hơn hè thiết kế là 0,45m. Diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 1.781,9m2. Tổng diện tích sàn xây dựng: 5.345,7m2(không kể diện tích tum thang). Tổng chiều cao công trình 13,8m. Số tầng: 3 tầng+tum thang. Diện tích đất phân phân lô của các lô C1, C2, C3 lần lượt là 165,40m2; 162,90m2; 161,90m2”.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế chỉ có 61 ô đất được xây dựng, chứ không phải 69 căn theo giấy phép được cấp. Đáng chú ý, tại một số lô góc, xuất hiện một số ô đất có diện tích lớn, trên đó đang có công trình xây dựng nhà ở dạng hợp khối hoàn thiện. Số khác đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
GPXD dự án thể hiện có 69 căn nhà ở thấp tầng nhưng trên thực tế chỉ có 61 căn! |
Đơn cử như tại lô C2.01 và C2.02 đang được tiến hành xây dựng phần thô hai công trình biệt thự, có diện tích lớn, quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy, đây là 2 lô đất đã được ghép lại và xây dựng 1 công trình.
Trong khi đó, theo bản vẽ thiết kế mặt bằng của một sàn bất động sản giới thiệu với khách hàng, phần diện tích phân lô của lô A3 đã hoàn toàn gộp lại vào lô A2 nhằm tăng toàn bộ diện tích lên 206.6m2. Cũng tương tự, phần diện tích phân lô của lô C3 gộp vào lô C2 diện tích tăng lên 324.8m2. Đáng nói, bản vẽ này thể hiện toàn khu đất thấp tầng có 61 lô, trùng với những gì thực tế dự án đang diễn ra!
Trái ngược với điều này, quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và giấy phép xây dựng dự án thể hiện: Khu nhà ở thấp tầng gồm 69 căn hộ. Vậy 8 ô đất, 8 căn biệt thự liền kề của dự án này đã đi đâu?
Phải chăng 8 căn này đã được hợp khối, hợp lô? Nếu được hợp lô, hợp khối thì chủ đầu tư đã được cấp có thẩm quyền cho phép hay chưa? Quy hoạch 1/500 và giấy phép xây dựng đã được điều chỉnh hay chưa?
Công trình tại ô đất C2.01 và C2.02 của khu thấp tầng dự án Green Pearl có dấu hiệu hợp khối, phá vỡ quy hoạch chung. |
Chủ đầu tư: Dự án đã bàn giao, trách nhiệm ở dân và chính quyền!
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Hương Thảo Tâm – Bộ phận pháp chế, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phong Phú – Daewoo – Thủ Đức cho rằng: “Về khu nhà ở thấp tầng thuộc dự án, phía chủ đầu tư đã bàn giao cho khách hàng từ lâu. Hiện nay, người dân đã về ở, đã có sổ đỏ nên việc có sửa chữa, hay vi phạm trật tự xây thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Ông Trần Nam Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết: “Về bản chất, ở đó vẫn sẽ là 69 lô đất, nhưng có những lô người dân có điều kiện mua 2 lô rồi hợp thành một khối. Về mặt cảnh quan kiến trúc là không thay đổi, mật độ, chiều cao tầng không thay đổi. Văn bản của Sở Quy hoạch kiến trúc cũng không cấm việc đó, còn về cấp phép xây dựng nó vẫn tuân thủ theo phê duyệt ban đầu”.
Phóng viên đề cập đến vấn đề việc hợp khối đã được chấp thuận và điều chỉnh quy hoạch, giấy phép hay chưa và tại văn bản nào?... thì vị Phó Chủ tịch UBND phường im lặng, không trả lời.
Công trình có biểu hiện hợp khối, phá vỡ quy hoạch đang được hoàn thiện! |
Liên quan đến dự án này, năm 2018, trong quá trình thanh tra trực tiếp một một số dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại dự án Green Pearl tồn tại một số vi phạm.
Cụ thể: “Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc tại Văn bản số 3267/QHKT-P2 ngày 18/8/2014 là không phù hợp với Quy hoạch phân khu H2-4 tỷ lệ 1/2000 được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6499/QĐ-UBND ngày 27/11/2015. Điều này làm giảm diện tích cây xanh khu đất E1-CX1 từ 7.600 m2 xuống còn 2.573,7 m2, vi phạm Khoản 4 Điều 14 Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, Dự án thuộc nhóm A, công trình cấp I được Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở theo Văn bản số 1179/HĐXD-QLDA ngày 19/9/2015. Tuy nhiên UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD-UBND ngày 29/3/2016 cho hạng mục nhà ở thấp tầng không đúng thẩm quyền, vi phạm Khoản 2 Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014.
Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất dự án tại Quyết định số 4882/QĐ-UBND ngày 7/9/2016 đã không loại khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư khi xác định chi phí xây dựng, đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với tổng số tiền khoảng 54 tỷ đồng”.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!