Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười mở rộng thêm 244 ha
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách trong ngoài nước, tỉnh Tiền Giang chủ trương mở rộng Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười thêm vùng đệm 244ha. Việc mở rộng thực hiện qua 2 giai đoạn.
TTXVN đưa tin nhằm làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách trong ngoài nước, tỉnh Tiền Giang chủ trương mở rộng Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười nằm trên địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước.
Tỉnh sẽ mở rộng thêm vùng đệm 244 ha ngoài vùng lõi hiện hữu gần 107 ha. Việc mở rộng được chia làm 2 giai đoạn, cụ thể giai đoạn 2024 - 2025 sẽ thu hồi 60 ha để trồng rừng, mở rộng Khu Bảo tồn hiện hữu. Giai đoạn 2 (2026 - 2030) mở rộng phần còn lại trên cơ sở xác định lộ trình phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
UBND huyện Tân Phước mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái tiểu vùng Đồng Tháp Mười mà Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là một trong những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn du khách. Lãnh đạo huyện Tân Phước đánh giá nơi đây có lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Hiện nay huyện Tân Phước đầu tư nhiều hạng mục phục vụ phát triển du lịch sinh thái cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mời gọi nhà đầu tư.
Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được thành lập vào năm 2000, với diện tích 106,8 ha, trong đó có 36 ha tràm là khu trung tâm, nơi dẫn dụ chim mồi. Vùng đệm xung quanh khu bảo tồn được xác định có diện tích 1.800 ha, chủ yếu là rừng tràm.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, qua nghiên cứu, khảo sát, thống kê, tại đây đang có 156 loài thực vật, lớp chim có 147 loài, lớp cá có 34 loài, lớp lưỡng thê có 8 loài, lớp côn trùng có 30 loài sinh sống và phát triển. Chỉ riêng số lượng các loài chim đã có hàng vạn cá thể, được bảo vệ nghiêm ngặt, đang sinh sôi phát triển không ngừng, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm như: Cò ốc, Cổ rắn (điên điển), Già đẩy, Quắm đen, Diệc xám, Diệc lửa, Cò ngà, Dang sen…
Định hướng du lịch của huyện Tân Phước là phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh, trọng tâm là khai thác du lịch tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác. Định hướng đến năm 2025, cơ bản tạo thương hiệu Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười trên thị trường du lịch của tỉnh Tiền Giang.
Kim Ngân