Thứ sáu, 22/11/2024 04:31 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/08/2023 10:00 (GMT+7)

Hơn 11.000 ha đất thu hẹp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải dùng để làm gì?

Theo dõi KTMT trên

Khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ có tổng diện tích hơn 3.000 ha, bao gồm 5 phân khu chức năng chính là: Khu sân golf, casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái - tâm linh, công viên vui chơi giải trí, khu đô thị du lịch.

Tháng 4/2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký ban hành Quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Theo Quyết định 731, diện tích Khu bảo tồn sẽ giảm từ 12.500 ha xuống còn hơn 1.320 ha (giảm 11.180 ha). Phần diện tích này sẽ được xây dựng thành Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.

Hơn 11.000 ha đất thu hẹp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải dùng để làm gì? - Ảnh 1
Phối cảnh quy hoạch dự án Khu đô thị dịch vụ nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình.

Quy hoạch Khu đô thị dịch vụ nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ là cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình quy mô 30.583 ha đến năm 2040 tầm nhìn 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2019.

Tiếp đó, ngày 21/8/2020, Chủ tịch UBND Thái Bình đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị dịch vụ nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình.

Theo quy hoạch, Khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ có tổng diện tích hơn 3.000 ha, bao gồm 5 phân khu chức năng chính là: Khu sân golf, casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái - tâm linh, công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu đô thị du lịch sinh thái.

Trong đó, tổ hợp sân golf và biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng 340 ha; Tổ hợp vui chơi giải trí casino-khách sạn 20 tầng với diện tích 31,10 ha; Tổ hợp khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp 144.60 ha.

Dự án khu đô thị dịch vụ nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ được định hướng là khu đô thị, du lịch xanh, kết hợp đô thị với cảnh quan môi trường tự nhiên, có rừng ngập mặn, rừng phi lao. Khi hoàn thành, dự án sẽ là điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của cả vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

Hơn 11.000 ha đất thu hẹp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải dùng để làm gì? - Ảnh 2
Theo Quyết định 731, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ giảm từ 12.500 ha xuống còn hơn 1.320 ha (giảm 11.050 ha).

Theo Báo Thái Bình, ngày 23/5/2023, đoàn công tác của UBND tỉnh do ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Tiền Hải về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Trong chiều ngày 24/5/2023, đoàn công tác của UBND tỉnh do ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát thực địa dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành.

Tại đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng sân golf cồn Vành có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần từng bước hiện thực hóa quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cụ thể hóa điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng sân golf cồn Vành - cồn Thủ; hình thành một dự án điểm nhấn, biểu tượng đủ sức thu hút và lan tỏa cho cả khu vực, góp phần xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung; khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch của vùng đất ven biển tỉnh Thái Bình; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tiền Hải cũng như tăng cường xúc tiến, quảng bá và từng bước xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các sở, ngành chức năng và huyện Tiền Hải nhanh chóng triển khai các công việc tiếp theo để dự án sớm được phê duyệt; huyện Tiền Hải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt và hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đồng thời, tập trung rà soát hiện trạng đất đai, tiến hành các bước để thu hồi diện tích đất của các hộ nuôi trồng thủy hải sản trong vùng dự án đã hết thời hạn thuê đất.

Trước đó, tháng 4/2020, tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình thảo luận về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ và quy hoạch cảng Ba Lạt, huyện Tiền Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên (hiện ông Nguyễn Hồng Diên là Bộ trưởng Bộ Công Thương) nhấn mạnh, khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ là một trong 2 điểm nhấn quan trọng về đô thị hiện đại hướng biển kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp trong khu Khu kinh tế Thái Bình.

Để hoàn thiện đồ án quy hoạch, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị nhà tài trợ, đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, cơ cấu quỹ đất đô thị phù hợp để tạo nguồn thu cho tỉnh đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Với các loại đất khác, nhất là đất dịch vụ, phải xác định rõ vị trí để thu hút đầu tư trong tương lai gần, điều chỉnh vị trí đất quốc phòng sang địa điểm mới.

"Đồ án quy hoạch phải tuân thủ quy luật tự nhiên, nguyên tắc thông thủy, khai thác triệt để các lợi thế tự nhiên. Đồng thời tất cả các công trình trong khu đô thị, du lịch phải tuân thủ nguyên tắc hướng biển, mặt biển là không gian dùng chung vừa tạo không gian tự nhiên song vẫn mang lại những giá trị kinh tế", ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh thêm.

Đáng chú ý, trong văn bản phát đi ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Thông tin gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản trước ngày 25/8/2023.

Văn bản nêu rõ, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha; sau đó được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn. Đồng thời, KBTTN Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Theo thông tin phản ánh báo chí, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500 hạ xuống còn 1.320 ha theo Quyết định số 731/QĐ- UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích KBTTN Tiền Hải.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đề nghị xem xét hoạt động “lấn biển”, mở rộng không gian phát triển mà lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề cập đến trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hơn 11.000 ha đất thu hẹp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải dùng để làm gì? - Ảnh 3
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Lý giải cho vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay có hai Khu bảo tồn thiên nhiên Thái Thụy và Tiền Hải. Cả hai khu bảo tồn này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận là một khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.

Trong khi đó, những năm gần đây Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong các vấn đề bảo vệ môi trường, tham gia thực hiện các công ước quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã và đang nỗ lực từng ngày để thực hiện nghiêm túc đầy đủ các cam kết quốc tế chúng ta đã và đang tham gia.

Với tư cách một nhà khoa học, tôi đề nghị tỉnh Thái Bình cần xem xét kỹ lưỡng hoạt động "lấn biển" nhằm mở rộng không gian phát triển, tránh vi phạm các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tể ở đây là UNESCO.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

PV

Bạn đang đọc bài viết Hơn 11.000 ha đất thu hẹp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải dùng để làm gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.