Không nhấn chìm 300.000m3 vật chất nạo vét Cảng Quy Nhơn xuống biển để bảo vệ môi trường
Sau một thời gian khảo sát thực tế, đưa ra nhiều phương án xử lý 300.000m3 vật chất nạo vét ở luồng ra vào Cảng Quy Nhơn, Cục Hàng hải Việt Nam cùng các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định thống nhất không nhấn chìm 300.000m3 vật chất xuống biển Quy Nhơn để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển.
Cảng Quy Nhơn hàng năm đều bị bồi lấp khiến tàu thuyền ra vào khó khăn. |
Chiều ngày 3/10, trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết: Sau khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị khảo sát vị trí nhấn chìm 300.000m3 vật chất nạo vét ở luồng ra vào Cảng Quy Nhơn xuống biển. Sở TN&MT làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu Cục đề ra các phương án xử lý cụ thể. Khi đã có các phương án xử lý, Cục Hàng hải làm việc với UBND tỉnh, Sở TN&MT cùng khảo sát các điểm đã quy hoạch để thống nhất phương án và tìm vị trí phù hợp đổ thải. Cục Hàng hải đưa ra ba phương án, nhưng có vị trí nằm ở phao số 0, có vị trí nằm ngoài phao số 0. Qua xem xét nhận thấy, đầm Thị Nại có các dự án đầu tư, đang cần nhu cầu san lấp mới đưa ra phương án tận dụng lại chất nạo vét.
Nạo vét luồng ra vào Cảng Quy Nhơn là theo định kỳ. Cục Hàng hải khảo sát thấy tình trạng bồi lấp khiến tàu thuyền di chuyển, đi lại khó khăn, nên phải nạo vét hàng năm. Chất nạo vét là cát pha lẫn với bùn nằm dưới biển không phải là những chất thải nguy hại. Nhưng cũng phải cân nhắc mọi phương án, nếu trong trường hợp không thể sử dụng tận dùng san lấp các dự án, lúc đó mới tính đến phương án nhận chìm. Bởi phương án nhận chìm phải được khảo sát nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện.
Trước những vấn đề như vậy, Cục Hàng hải Việt Nam và Sở TN&MT thống nhất phương án tận dụng lại chất nạo vét để san lấp mặt bằng các dự án. Dự án thực hiện tiếp nhận khối lượng vật chất nẹo vét từ Cảng Quy Nhơn là dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại, do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư dự án cũng đồng ý tiếp nhận khối lượng chất nạo vét. Sau khi các bên thống nhất, yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện các bước theo đúng quy định, như đánh giá tác động môi trường, vận chuyển, các vấn đề khác phải chấp hành đúng quy định. Mặc dù, chủ đầu tư các dự án tận dụng san lấp, nhưng cũng phải thực hiện đúng các phương án đề ra. UBND tỉnh sẽ có văn bản thống nhất chủ trương ưu tiên cho việc san lấp tại các dự án đầu tư trên đầm Thị Nại. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, họ dự kiến sẽ thực hiện việc nạo vét hàng hải Quy Nhơn trong năm 2019.
Không nhấn chìm 300.000m3 vật chất nạo vét Cảng Quy Nhơn xuống biển để bảo vệ môi trường. |
Trước đó, ngày 27/5/2019, Cục Hàng hải Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định về vị trí đổ chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn năm 2019 và các năm tiếp theo. Ngày 15/6/2019, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao Sở TN&MT tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và UBND TP. Quy Nhơn xem xét các vị trí có khả năng tiếp nhận chất nạo vét. Việc nạo vét, thông luồng hàng hải Quy Nhơn là việc làm thường xuyên của Cục Hàng hải Việt Nam, do luồng lạch hàng năm đều bị bồi lấp nên không đảm bảo về độ sâu của luồng hàng hải để các tàu thuyền ra vào. Vật chất nạo vét này, chủ yếu là bùn thải, bùn đất và các chất phù sa ở cửa biển từ đầm Thị Nại đổ ra.