Không dùng mệnh lệnh hành chính “thúc” giải ngân đầu tư công
Đến thời điểm này, kỳ giải ngân năm 2022 chỉ còn 3 tháng sẽ kết thúc. Vì thế, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương không giải quyết công việc theo kiểu hành chính mà phải bám sát vào khối lượng công việc nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công.
Không giải quyết công việc theo kiểu hành chính
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tính đến hết tháng 10, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt gần 300 nghìn tỷ đồng.
Nếu so con số này với năm 2021, số vốn giải ngân trên đã tăng hơn 16%, tương đương với 40 nghìn tỷ đồng. Nhưng với kết quả này, tỷ lệ giải ngân mới đạt gần 52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là gần 56%.
Có thể nói, đến thời điểm này, kỳ giải ngân năm 2022 chỉ còn 3 tháng sẽ kết thúc. Chính vì thế, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương không giải quyết công việc theo kiểu hành chính mà phải bám sát vào khối lượng công việc nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công.
Nhiều ngày nay, đến 22h30 tại khu vực làm việc của Cục quản lý đầu tư xâu dựng Bộ GTVT, không khí làm việc vẫn khẩn trương, phần lớn cán bộ của đơn vị đã chấp nhận làm thêm giờ để thẩm định thiết kế kỹ thuật và lập dự toán cho kịp tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn nếu kết hợp đồng thời giữa bên tư vấn, chủ đầu tư và cục quản lý xây dựng sẽ giảm được ít nhất 50% thời gian trong quá trình thẩm định thiết kế và lập dự toán đầu tư.
Cũng theo đại diện bộ GTVT cho biết, sẽ cơ bản hoàn thành các điều kiện để khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài hơn 723 km vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng sẽ luôn được đặt lên hàng đầu.
Cả nước cho đến thời điểm này mới hoàn thành gần 49% kế hoạch. Hiện vẫn còn 30 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong từ nay đến hết kỳ giải ngân năm 2022 và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi giải ngân đầu tư công sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả đồng vốn quốc gia, cũng như tạo đà sản xuất cho các doanh nghiệp và công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
6 giải pháp trọng tâm bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Mới đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung 6 giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, coi việc xây dựng kế hoạch là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tiến độ, giải ngân các chương trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội. Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt; khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.
Thứ ba, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập kế hoạch từ khâu lập, thẩm định, phân bổ, thông báo kế hoạch cho từng chương trình, dự án, từng chủ đầu tư thông qua việc sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư, phù hợp với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số.
Thứ năm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.
Thứ sáu, thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập kế hoạch để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ này về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác lập kế hoạch cũng như cập nhật các chính sách, chế độ, phương pháp lập kế hoạch mới; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp lập kế hoạch, các cơ quan liên quan và các đơn vị sử dụng ngân sách trong cùng một bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bảo đảm quá trình lập kế hoạch được thông suốt.
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/ 2022 đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
Trong đó có 02 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, 14 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Huyền Diệu