Khả năng xuất hiện 2-3 xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông trong tháng 9
Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm, có khả năng xuất hiện khoảng từ 2-3 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Bên cạnh đó, đỉnh điểm của mùa mưa bão sẽ tập trung vào tháng 9-11.
Mưa lớn dồn dập cuối năm
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ nay đến tháng 2 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 7-9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta từ 2-4 cơn. Đỉnh điểm của mùa mưa bão sẽ tập trung vào tháng 9-11.
Nhận định về tình hình thời tiết trong tháng 9/2022, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, có khả năng xuất hiện khoảng từ 2-3 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông.
Do bão dồn dập vào cuối năm, kết hợp với không khí lạnh đến sớm và điều kiện địa hình nên dự báo trong tháng 10-11 năm nay, khu vực Trung Bộ và có khả năng xuất hiện mưa lớn dồn dập, tái diễn kịch bản năm 2022. Kéo theo đó là nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Ngoài ra, tại khu vực Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2023 vẫn có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa cục bộ.
Đề cập đến xu thế nhiệt độ và tổng lượng mưa, theo Giám đốc Mai Văn Khiêm, khu vực Bắc Bộ cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm, các khu vực còn lại xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, các khu vực còn lại phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo thống kê, trong suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1 - 1,5% GDP. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân. Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân.
3 năm La Nina liên tiếp hiếm thấy
Mới đây, Cơ quan khí tượng của Liên Hợp Quốc dự báo hiện tượng La Nina sẽ kéo dài đến cuối năm nay, tạo nên 3 năm La Nina liên tiếp hiếm thấy, lần đầu tiên trong thế kỷ này.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), hiện tượng La Nina đang tăng cường ở phía đông và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương. La Nina là hiện tượng nhiệt độ trên bề mặt biển mát hơn trên diện rộng. Cơ quan khí tượng cảnh báo rằng 3 đợt La Nina liên tiếp không có nghĩa là tình trạng ấm lên toàn cầu đang giảm bớt.
“Rất hiếm thấy 3 năm liên tiếp có La Nina. Tác động làm mát của nó đang làm chậm đà tăng của nhiệt độ toàn cầu, nhưng không có nghĩa là nó sẽ dừng hay đảo ngược xu thế ấm lên trong dài hạn”, Tổng giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết.
La Nina là hiện tượng tự nhiên mang tính chu kỳ ở một số khu vực của Thái Bình Dương gần xích đạo, dẫn đến thay đổi mô hình thời tiết trên toàn thế giới, ngược lại với hiện tượng El Nino.
La Nina thường gây ra nhiều trận bão lớn hơn trên Đại Tây Dương, ít mưa và cháy rừng nhiều hơn ở miền Tây nước Mỹ, thiệt hại mùa màng nhiều hơn ở miền Trung của Mỹ.
El Nino, La Nina và điều kiện trung tính tạo nên ENSO - dao động phương nam, gây ra những tác động tự nhiên lớn nhất lên khí hậu, đôi khi tăng thêm nhưng đôi khi giảm bớt tác động do con người gây ra đối với biến đổi khí hậu, từ những hoạt động như đốt than, dầu mỏ và khí tự nhiên.
PV