Jisoo (BlackPink) quyên góp tiền từ kênh Youtube cho dự án rừng ngập mặn tại Việt Nam
Theo truyền thông Hàn Quốc đưa tin, nữ ca sĩ Jisoo (nhóm Blackpink) sẽ dùng toàn bộ số tiền kiếm được từ Youtube “Happiness Jisoo 103% để quyên góp từ thiện cho một cải tạo rừng ngập mặn ở Việt Nam.
Lợi nhuận từ kênh YouTube cá nhân gần 5 triệu người theo dõi của Jisoo cũng sẽ được quyên góp thông qua tổ chức phi chính phủ về quyền trẻ em Save The Children. Sau đó sẽ được sử dụng cho dự án cải tạo rừng ngập mặn ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, Việt Nam. Hiện cho rõ số tiền chính xác mà nữ ca sĩ sẽ quyên góp.
Hành động trên của Jisoo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Đa số mọi người đều dành lời khen cho hành động ý nghĩa của cô vì những đóng góp thiết thực cho môi trường và cộng đồng.
Trước đó vào tháng 1/2023, tác giả của ca khúc “Flower” đã mở một kênh YouTube có tên “Happiness Jisoo 103%”. Kênh đã nhanh chóng thu hút được 4,99 triệu người đăng ký. Cô từng chia sẻ sẽ dùng toàn bộ số tiền từ kênh Youtube trên để chuyển tới những nơi cần giúp đỡ và hy vọng chỉ số hạnh phúc của mọi người sẽ cao hơn.
Như vậy sau hơn 1 năm thành lập kênh, Jisoo đã thực hiện theo đúng những mục tiêu đề ra và hành động này cũng được ví như lời cam kết giữa cô và người hâm mộ.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn đang chịu áp lực rất lớn từ hoạt động của con người trong khi vai trò của rừng trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thường bị bỏ qua. Rừng ngập mặn tiếp tục bị chặt hạ để lấy gỗ/củi, chuyển đổi thành các dự án phát triển ven biển và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính, góp phần làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu.
Có tới 29 tỉnh và thành phố tại Việt Nam có rừng và đất ngập mặn ven biển chạy suốt từ Móng Cái đến Hà Tiên, phân bố và phát triển mạnh ở phía Nam, đặc biệt là vùng Cà Mau-Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra còn một phần nhỏ ở phía Bắc.
Việt Nam có khoảng 37 loài thực vật ngập mặn, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng và chủng loại cây ngập mặn đa dạng nhất. Nổi tiếng nhất là các cánh rừng ở vùng U Minh (tỉnh Cà Mau) và rừng Sác ở huyện Cần Giờ (TP.HCM).
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, rừng ngập mặn Cà Mau có tổng giá trị kinh tế dược lượng giá vào khoảng hơn 1,7 tỷ đồng/năm, cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ có giá trị như nguồn lợi thủy sản, phòng hộ ven biển,...
Tuy nhiên hiện nay rừng ngập mặn Cà Mau đang phải đối mặt với nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nuôi trồng thủy sản, khiến khả năng cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ của rừng ngập mặn bị suy giảm theo.
Kim Ngân