Thứ bảy, 21/12/2024 19:46 (GMT+7)
Thứ ba, 08/12/2020 06:49 (GMT+7)

IMF: Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và nhà đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Thiếu thông tin hoặc thông tin không chuẩn xác có thể làm nhà đầu tư, các bên cho vay hiểu sai lệch, dẫn tới đánh giá tiêu cực về mức rủi ro hay thậm chí có thể dẫn tới việc rút vốn hàng loạt.

IMF: Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và nhà đầu tư - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mục tiêu và nguyên tắc của quan hệ nhà đầu tư là sự minh bạch các thông tin dữ liệu và quyết định, khả năng tiếp cận với Chính phủ cũng như khả năng dự đoán được mức độ công khai thông tin và hành vi nhất quán của Chính phủ cũng như tính chính xác của dữ liệu. Tiếp đến là các hình thức của quan hệ nhà đầu tư, bao gồm trang web quản lý nợ, bài thuyết trình với nhà đầu tư, tham vấn thị trường…

Trong bối cảnh đó, đại diện IMF cho rằng Việt Nam cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ nắm vững về nghiệp vụ và thông lệ của thị trường vốn quốc tế, chủ động trong việc tiếp cận thị trường và có thể tiến hành các giao dịch ngay vào các thời điểm thuận lợi nhất.

Đây cũng chính là nội dung cuộc hội thảo diễn ra ngày 7/12, tại Hà Nội, do Bộ Tài chính phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các chuyên gia quốc tế tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, cho hay vai trò và vị thế của Việt Nam ở "cửa ngõ" của giai đoạn 2021-2025 có nhiều biến chuyển tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã "tốt nghiệp" ODA, gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình là dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều khả năng mới để quản lý nợ chủ động, hiệu quả.

IMF: Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và nhà đầu tư - Ảnh 2
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Và để bù vào phần vốn ODA đang thu hẹp dần, Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường vốn thương mại rộng lớn, cho phép chủ động, linh hoạt hơn về huy động và sử dụng vốn, chi phí vay dự kiến cũng sẽ phù hợp hơn khi vươn lên về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, công tác tiếp xúc với nhà đầu tư là khái niệm khá mới với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

"Việc tăng cường tiếp xúc và duy trì mối liên hệ với nhà đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo chuyển tải kịp thời, chuẩn xác các thông tin vĩ mô, tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và quyết sách của Chính phủ đến với cộng đồng nhà đầu tư. Thiếu thông tin hoặc thông tin không chuẩn xác có thể làm nhà đầu tư, các bên cho vay hiểu biết sai lệch, dẫn tới đánh giá tiêu cực về mức rủi ro khi cho vay, đầu tư, thậm chí có thể dẫn tới việc rút vốn hàng loạt khỏi quốc gia đó", ông Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Long cũng thừa nhận kinh nghiệm của Việt Nam tiếp xúc với các nhà đầu tư hiện nay còn khá hạn chế, chủ yếu thông qua các đoàn quảng bá không kèm phát hành hoặc các hội nghị xúc tiến đầu tư. Mặt khác, các hoạt động này chưa được duy trì thường xuyên và hình thức tiếp cận với nhà đầu tư chưa đa dạng. Chưa kể, các cán bộ thuộc cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi về cân đối kinh tế vĩ mô chưa được đào tạo về phương pháp, cách thức tiếp cận với nhà đầu tư cũng như việc phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong quá trình đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đến từ IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho cán bộ từ các cơ quan Chính phủ có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo, công khai các chỉ tiêu kinh tế xã hội, chỉ tiêu giám sát vĩ mô... để cải thiện việc tiếp cận cũng như quan hệ với nhà đầu tư. Các hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ khung tổng thể cải cách công tác quản lý nợ của Bộ Tài chính.

Cũng tại hội thảo, đại diện các cơ quan, bộ, ngành đã thảo luận về thực tiễn triển khai mối quan hệ với nhà đầu tư hiện nay, quy trình phối hợp giữa các cơ quan và các quy định về công khai báo cáo, số liệu...

Hạnh Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết IMF: Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và nhà đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Dự án đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.