IMF: GDP toàn cầu năm 2021 sẽ thấp hơn so với dự báo trước đó
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ giảm nhẹ dưới mức dự báo tháng 7 là 6%, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết vào hôm 5/10.
Georgieva cho biết nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi trở lại nhưng đại dịch tiếp tục hạn chế sự phục hồi, với trở ngại chính gây ra bởi "khoảng cách tiêm chủng lớn" khiến quá nhiều quốc gia có quá ít cơ hội tiếp cận với vaccine Covid-19.
Trong một bài phát biểu mới đây, Georgieva cho biết Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật vào tuần tới sẽ dự báo rằng các nền kinh tế tiên tiến sẽ trở lại mức sản lượng kinh tế trước đại dịch vào năm 2022. Tuy nhiên, hầu hết các nước mới nổi và đang phát triển sẽ cần "nhiều năm nữa" để phục hồi.
Georgieva nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là động lực quan trọng của tăng trưởng, Ý và Châu Âu đang cho thấy động lực gia tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng đang xấu đi ở những nơi khác.
Bà nói, áp lực lạm phát, một yếu tố rủi ro chính, dự kiến sẽ giảm bớt ở hầu hết các quốc gia vào năm 2022 nhưng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Đồng thời, cảnh báo rằng kỳ vọng lạm phát gia tăng liên tục có thể khiến lãi suất tăng nhanh và thắt chặt điều kiện tài chính.
Mặc dù các ngân hàng trung ương nói chung có thể tránh thắt chặt ngay bây giờ, nhưng họ nên chuẩn bị hành động nhanh chóng nếu sự phục hồi tăng nhanh hơn dự kiến hoặc rủi ro lạm phát gia tăng hiện hữu, bà nói.
Bà cho biết việc theo dõi rủi ro tài chính, bao gồm cả việc định giá tài sản bị kéo dài cũng rất quan trọng.
Georgieva nói, mức nợ toàn cầu, hiện ở mức khoảng 100% tổng sản phẩm quốc nội thế giới, có nghĩa là nhiều nước đang phát triển có rất ít khả năng phát hành nợ mới khi có điều kiện thuận lợi.
Georgieva cho biết điều quan trọng là các nỗ lực tái cơ cấu nợ do Zambia, Chad và Ethiopia khởi xướng phải được kết thúc thành công để khuyến khích những người khác tìm kiếm sự giúp đỡ.
Minh bạch tốt hơn về các khoản nợ, thực hành quản lý nợ hợp lý và khuôn khổ pháp lý mở rộng sẽ giúp đảm bảo tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, bà nói khi trả lời câu hỏi của một người tham gia.
Khi được hỏi về mức nợ gia tăng ở châu Âu, Georgieva cho biết động lực kinh tế ngày càng tăng đã đặt châu Âu vào chỗ dựa vững chắc để tránh một cuộc khủng hoảng nợ khác giống như cuộc khủng hoảng nợ mà Hy Lạp phải đối mặt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, bà cho biết các nước sẽ phải lên kế hoạch cẩn thận làm thế nào để chuyển hướng sang hợp nhất tài khóa trung hạn để xóa bỏ gánh nặng nợ gia tăng liên quan đến đại dịch.
"Các hóa đơn sẽ đến hạn thanh toán", bà nói và nói thêm rằng cần phải lập kế hoạch tốt để giảm bớt gánh nặng nợ nần theo thời gian đồng thời tránh bị cắt giảm "tàn bạo" trong tài trợ cho giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe.
Georgieva kêu gọi các quốc gia giàu có hơn tăng cường cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển, gỡ bỏ các hạn chế thương mại và thu hẹp khoảng cách 20 tỉ đô la trong khoản tài trợ cần thiết cho việc thử nghiệm, truy tìm và điều trị Covid-19.
Bà nói nếu không thu hẹp khoảng cách chênh lệch lớn về tỉ lệ tiêm chủng giữa các nền kinh tế tiên tiến và các quốc gia nghèo hơn có thể kìm hãm sự phục hồi toàn cầu, khiến GDP toàn cầu thiệt hại tích lũy lên tới 5,3 nghìn tỉ USD trong vòng 5 năm tới.
Georgieva cho biết các quốc gia cũng nên đẩy nhanh nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu, đảm bảo thay đổi công nghệ và tăng cường hòa nhập - tất cả những điều này cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bà cho biết, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, mạng lưới điện mới, sử dụng năng lượng hiệu quả và mức độ chuyển sang carbon thấp có thể nâng cao GDP toàn cầu lên khoảng 2% trong thập kỷ này, tạo ra 30 triệu việc làm mới.
Nguyễn Luận