Hơn 100 triệu người trên thế giới đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19
Bất chấp kế hoạch giao hàng của một số nhà sản xuất vắcxin bị chậm so với kế hoạch, cho đến nay, các nước giàu nhất thế giới đã triển khai tiêm hơn 2/3 tổng số liều vắcxin mua được.
Hơn 100 triệu người trên thế giới đã được tiêm phòng vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song cho đến nay chưa có quốc gia nào trong số 29 nước nghèo nhất thế giới chính thức khởi động chương trình tiêm chủng mở rộng vắcxin ngừa dịch bệnh này.
Theo số liệu thống kê mới nhất, bất chấp kế hoạch giao hàng của một số nhà sản xuất vắcxin bị chậm so với kế hoạch, cho đến nay, các nước giàu nhất thế giới đã triển khai tiêm hơn 2/3 tổng số liều vắcxin mua được trong vài tuần qua.
Ngoài Mỹ và châu Âu - những khu vực đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắcxin đại trà, Israel là một trong những quốc gia được cho là có tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao nhất thế giới.
Trước đó, theo nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), các nước như Anh, Mỹ, Israel và các thành viên Liên minh châu Âu sẽ đạt được "mức độ bao phủ vắcxin diện rộng" vào cuối năm 2021.
Nhóm các nước phát triển còn lại theo sau sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng vào giữa năm 2022 và tiếp đó là nhóm các nước đang phát triển vào cuối năm đó.
Tuy nhiên, theo EIU, nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không có đủ vắcxin ngừa COVID-19 cho đến năm 2023. Vấn đề thiếu hụt vắcxin thậm chí sẽ kéo dài trong nửa đầu của thập kỷ này.
Tác giả báo cáo trên, ông Agathe Demarais, nhận định: "Tình trạng trên sẽ định hình bức tranh chính trị, kinh tế toàn cầu cũng như du lịch và hầu các lĩnh vực khác..."
Riêng tại Mỹ, một nghiên khác cho thấy mặc dù số người được tiếp cận với vắcxin khá lớn, song tỉ lệ người da màu sống tại Mỹ được tiêm vắcxin lại cực thấp.
Tại một số quốc gia giàu có khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, chiến dịch tiêm vắcxin đại trà ngừa COVID-19 cho đến nay vẫn chưa được khởi động. Tại Nhật Bản, chưa có loại vắcxin nào được phê chuẩn tại nước này và chương trình tiêm chủng mới được dự kiến xúc tiến sớm nhất vào cuối tháng 2.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, EU đã đầu tư 2,7 tỉ euro (3,3 tỉ USD) để mua 2,3 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19 từ các nhà sản xuất phần lớn sử dụng cơ sở tại châu Âu.
Ba loại vắcxin cho đến nay được cấp phép sử dụng trên toàn EU là Pfizer/BioNTech do Mỹ và Đức hợp tác bào chếl; Moderna của Mỹ và AstraZeneca của Thụy Điển. Số lượng vắcxin Pfizer/BioNTech được EU đã đặt mua là 600 triệu liều, của Moderna là 160 triệu liều và của AstraZeneca là 400 triệu liều.
Hiện mỗi nước thành viên EU đều triển khai chương trình tiêm chủng riêng, trong đó phần lớn ưu tiên cho người cao tuổi và nhân viên y tế. Tính trung bình, đến ngày 31/1, EU được phân phối 2,4 liều/100 người dân. Nước có tỉ lệ cao nhất là Malta với 6,08 liều/100 người dân, tiếp theo là Đan Mạch với 4,47 liều/100 người, Slovenia 3,65 liều/100 người và Romania 3,5 liều/100 người.
Các nước lớn hơn như Đức chỉ được 2,8 liều/100 người, Pháp 2,34 liều/100 người, Italy 3,16 liều/100 người và Tây Ban Nha là 3,1 liều/100 người.
Các nước đứng đầu thế giới là Israel với 54,7 liều/100 người dân, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất 33,7 liều/100 người và Anh là 13,9 liều/100 người.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu mới công bố ngày 2/2, tỉ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân COVID-19 cần được chăm sóc tích cực đã giảm hơn 30% so với những tháng đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, dù đây được cho là xu hướng tạm thời.
Các nhà khoa học đã tổng hợp số liệu của 52 công trình nghiên cứu theo dõi 43.128 bệnh nhân. Các dữ liệu được thu thập tại châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông, Nam Á và Australia.
Tính đến tháng 10/2020, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại các khoa điều trị tích cực (ICU) trên khắp thế giới đã giảm xuống còn 36% trong tháng 10/2021, tiếp nối đà giảm từ 60% xuống 42% ghi nhận trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5 năm ngoái.
(TTXVN/Vietnam+)