Thứ hai, 06/05/2024 23:28 (GMT+7)
Thứ ba, 17/10/2023 18:00 (GMT+7)

Hơi thở Môi trường 24h ngày 17/10: Lập Sở Chỉ huy khẩn trương tìm kiếm 15 ngư dân mất tích

Theo dõi KTMT trên

Quảng Nam lập Sở Chỉ huy tìm kiếm 15 ngư dân mất tích; Khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn; FAO kêu gọi tăng an ninh và tính bền vững của hệ thống lương thực; Điều chỉnh thời gian hoàn thành Nhà máy xử lý chất rắn Liên Đầm.

Quảng Nam lập Sở Chỉ huy tìm kiếm 15 ngư dân mất tích; Khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn; FAO kêu gọi tăng an ninh và tính bền vững của hệ thống lương thực; Điều chỉnh thời gian hoàn thành Nhà máy xử lý chất rắn Liên Đầm; Công nhân môi trường Đà Nẵng thu gom rác dạt vào bờ biển sau mưa lớn; Thế giới không có đủ LNG cho quá trình chuyển đổi năng lượng;... đó là những thông tin về Môi trường trong ngày 17/10 Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tổng hợp lại trong ngày.   

Quảng Nam lập Sở Chỉ huy tìm kiếm 15 ngư dân mất tích

UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp đóng tại đồn cửa khẩu cảng Kỳ Hà, BĐBP tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban với sự tham gia của các lực lượng chức năng của tỉnh, Vùng cảnh sát biển 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Hơi thở Môi trường 24h ngày 17/10: Lập Sở Chỉ huy khẩn trương tìm kiếm 15 ngư dân mất tích - Ảnh 1
UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp.  Ảnh: VGP/Thế Phong

Hiện tại công tác tìm kiếm cứu nạn cũng gặp khó khăn do thời tiết, do đó tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Vùng 4 Hải quân, Cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khẩn trương chỉ đạo các lực lượng có liên quan hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn các ngư dân Quảng Nam bị mất tích".

Theo thông tin của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, trưa nay 17/10, các lực lượng đã tìm kiếm cứu thêm được 2 người, hiện sức khỏe các ngư dân này rất yếu.

Khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn 

Theo báo Tiền Phong, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 106/QĐ-CSKT ngày 11/8/2023 về việc khởi tố vụ án hình sự "Gây ô nhiễm môi trường" xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá). 

Trước đó, tháng 11/2022, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn với số tiền hơn 550 triệu đồng, về hành vi “xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện không đúng một trong các nội dung của giấy phép môi trường theo quy định”.

FAO kêu gọi tăng an ninh và tính bền vững của hệ thống lương thực

Tin từ Vietnamplus, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) phát động tuần Lễ Kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm 2023 - sáng kiến nhằm tăng cường an ninh và tính bền vững của hệ thống lương thực toàn cầu. 

Hơi thở Môi trường 24h ngày 17/10: Lập Sở Chỉ huy khẩn trương tìm kiếm 15 ngư dân mất tích - Ảnh 2
FAO kêu gọi đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh minh họa. 

Nhấn mạnh mối liên hệ giữa nước và lương thực, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc khẳng định: "Không có nước thì không có lương thực. Và sẽ không có an ninh lương thực nếu không có an ninh về nguồn nước." Ông nhấn mạnh: “Cần tăng tốc hành động nếu chúng ta muốn đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc."

Trong một thông điệp video, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng phát biểu “Việc quản lý bền vững nguồn nước cho nông nghiệp và sản xuất lương thực là điều cần thiết để chấm dứt nạn đói, đạt được SDG và bảo tồn tài nguyên nước cho các thế hệ tương lai."

Điều chỉnh thời gian hoàn thành Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm

Cũng theo Vietnamplus, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm (xã Liên Đầm, huyện Di Linh) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh.

Cụ thể theo Quyết định số 1937/QĐ-UBND ngày 10/10/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm với các nội dung chủ yếu như: từ quý 1/2021 đến hết quý 2/2022 thực hiện các bước chuẩn bị thủ tục đầu tư; từ quý 4/2022 đến hết quý 1/2023 thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công phần nền móng khu hạ tầng, nhà xưởng. 

Quý 2/2023 đến quý 4/2023 thực hiện lắp đặt máy móc thiết bị giai đoạn 1 của dự án bao gồm dây chuyền tiếp nhận, phân loại dây chuyền lò đốt chất thải rắn; cuối quý I/2024 hoàn thành giai đoạn 1, chạy thử và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh ổn định.

Cuối quý 3/2028 hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ dự án và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh với công suất 350 tấn/ngày đêm.

Công nhân môi trường Đà Nẵng thu gom rác dạt vào bờ biển sau mưa lớn

Từ sáng sớm 17-10, hàng chục công nhân Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng được huy động để thu gom rác dạt vào dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành. Mưa to, gió lớn khiến công việc của các công nhân càng thêm vất vả.

Hơi thở Môi trường 24h ngày 17/10: Lập Sở Chỉ huy khẩn trương tìm kiếm 15 ngư dân mất tích - Ảnh 3
Rác tràn lan dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành. 

Theo ghi nhận, một lượng lớn cành lá cây, củi khô, lục bình, thùng xốp, bao nylon dạt vào nhiều khu vực chạy dài gần 8km bờ vịnh Đà Nẵng nên các công nhân phải chia thành nhiều tốp để thu gom để chuyển lên thùng rác. Sau đó đưa rác lên xe cơ giới, vận chuyển lên qua bờ kè tập kết, bốc lên xe lớn để chở đi xử lý.

Ngoài vịnh Đà Nẵng thì các bãi biển khu vực Ngũ Hành Sơn cũng xuất hiện rác tương tự từ thượng nguồn đổ về. Hiện quân số tại các bãi biển được điều chuyển liên tục theo hướng khu vực nào xong sớm thì chia nhân lực hỗ trợ cho khu vực khác.

Thế giới không có đủ LNG cho quá trình chuyển đổi năng lượng

Báo Tổ quốc dẫn lời CNBC, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong hai thập kỷ qua - xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2030 theo các chính sách hiện hành.

Trung tâm Năng lượng ASEAN cũng ước tính nếu các quốc gia Đông Nam Á không thực hiện những hành động quan trọng hoặc bổ sung vào cơ sở hạ tầng sản xuất hiện có, khu vực này sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào năm 2025 và than đá vào năm 2039. Điều đó sẽ làm tăng giá nhiên liệu hóa thạch và gây thêm căng thẳng cho người tiêu dùng.

Vào tháng 5, Việt Nam đã công bố Kế hoạch phát triển điện lực số 8, cam kết tăng cường năng lượng gió và khí đốt đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than. Nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời dự kiến sẽ đáp ứng ít nhất 31% nhu cầu năng lượng quốc gia vào năm 2030.

Phạm Thu

Bạn đang đọc bài viết Hơi thở Môi trường 24h ngày 17/10: Lập Sở Chỉ huy khẩn trương tìm kiếm 15 ngư dân mất tích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.