Thứ hai, 06/05/2024 16:32 (GMT+7)
Thứ ba, 21/06/2022 07:00 (GMT+7)

Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI: Nhiệm kỳ mới - Vận hội mới

Theo dõi KTMT trên

Tháng 12/2021, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển” mang đến niềm tin vận hội mới cho những người làm báo.

Nhiều hoạt động thiết thực

Trong khí thế toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra thành công tốt đẹp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của Đất nước và Nhân dân.

Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với giới báo chí mà cả xã hội nói chung, là hoạt động thiết thực của giới báo chí trong việc tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, mừng thành tựu của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và các sự kiện lớn trong năm 2022.

Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI: Nhiệm kỳ mới - Vận hội mới - Ảnh 1
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong những năm tới, tình hình chính trị, xã hội thế giới và khu vực sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội đan xen thách thức. Kinh tế thế giới có nhiều biến động và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị - xã hội; nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, các chi hội, người làm báo cả nước tin tưởng và kỳ vọng vào một giai đoạn mới phát triển của nền báo chí nước nhà và tin tưởng vào phương hướng, nhiệm vụ mà Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ mới đã đề ra, trong đó, các cơ quan báo chí cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp người làm báo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội. Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các cấp Hội đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cấp Hội tiếp tục rà soát, kiện toàn xây dựng hệ thống tổ chức Hội theo hướng tinh giản đầu mối trực thuộc Trung ương Hội.

Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN.

Thách thức và cơ hội cho báo chí hiện đại

Năm năm tới, đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, có tính bước ngoặt. Thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá nước ta trên nhiều mặt, với nhiều hình thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và mạng xã hội vừa là cơ hội, vừa đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.

Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI: Nhiệm kỳ mới - Vận hội mới - Ảnh 2
Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên phải) cùng PGS.TS Trương Mạnh Tiến, TBT Tạp chí Kinh tế Môi trường tại Hội Báo toàn quốc 2022.

Việc thực hiện quy hoạch báo chí (2020 - 2025), sẽ tác động lớn đến mô hình tổ chức, bộ máy, phương thức hoạt động của cơ quan báo chí, của tổ chức Hội Nhà báo từ Trung ương đến cơ sở…Tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện, thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội.

Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế báo chí, xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính. Học tập, quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết TW 4 (Khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang của báo chí đối với Đất nước và Nhân dân. Đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI, tháng 4/2022, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội Báo toàn quốc 2022 với chủ đề "Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn" tại Bảo tàng Hà Nội, mang tới niềm vui, niềm phấn khởi của người làm báo cả nước.

Có thể thấy, Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới của Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín, điều kiện, cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của Hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của Nhân dân.

Những thành tựu và sự lớn mạnh của báo chí và đội ngũ người làm báo hiện nay ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao đội ngũ những người làm báo. “Người làm báo ngày càng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại; không ngừng đổi mới sáng tạo. Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, phong phú; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận đa dạng, chính xác, góp phần phát hiện các sai phạm, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.

Đa dạng các loại hình báo chí

Tính đến nay, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, 1 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.

Hiện nay, cả nước có 316 tạp chí khoa học, chủ yếu thực hiện loại hình in. Các tạp chí khoa học đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, thực hiện thêm loại hình tạp chí điện tử. Về nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 40.000 người, trong đó khối phát thanh truyền hình gần 17.000 người và có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025.

Đức Mậu

Bạn đang đọc bài viết Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI: Nhiệm kỳ mới - Vận hội mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.