Học phí trường công lập ở 5 thành phố trực thuộc trung ương
Học phí đối với học sinh nhà trẻ, mẫu giáo ở khu vực thành thị thuộc Hải Phòng đang ở mức cao nhất - 203.000 đồng mỗi tháng.
Năm học 2018-2019, Học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (trừ cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) ở Hà Nội từ 19.000 đến 155.000 đồng mỗi tháng.
Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất không chia học phí theo cấp học, chỉ chia làm ba mức áp dụng với ba khu vực, gồm: thành thị (các phường, thị trấn), nông thôn và xã miền núi. Học phí đối với học sinh ở thành thị 155.000 đồng, nông thôn là 75.000 đồng, còn các xã miền núi 19.000 đồng.
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2019-2020. Theo đó, mức học phí đối với khối mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT được đề xuất tăng lên, lần lượt với từng khu vực dự kiến sẽ là 220.000; 95.000 và 24.000 đồng.
Hải Phòng cũng chia ba khu vực như Hà Nội, gồm thành thị, nông thôn và miền núi hải đảo. Trong đó, học sinh nhà trẻ, mầm non ở thành thị phải đóng 203.000 đồng mỗi tháng. Đây là mức học phí cao nhất ở tất cả cấp học, khu vực của năm thành phố trực thuộc trung ương. Vùng nông thôn, trẻ ở lớp nhà trẻ đóng 92.000 đồng, mẫu giáo đóng 85.000 đồng.
Với THCS, học phí mỗi tháng ở thành thị là 92.000, nông thôn là 62.000 đồng; cấp THPT ở hai khu vực lần lượt là 125.000 và 77.000 đồng. Đối với miền núi, hải đảo, Hải Phòng áp dụng một mức học phí chung cho tất cả cấp học là 62.000 đồng một tháng.
Học phí trường công lập ở Đà Nẵng thấp hơn so với Hà Nội và Hải Phòng. Thành phố ven biển này chia bốn vùng với bốn mức. Vùng 1 có học phí cao nhất, gồm hai quận Hải Châu và Thanh Khê. Trong đó, khối nhà trẻ, mẫu giáo đóng 95.000 đồng; THCS 60.000 và THPT là 70.000 đồng mỗi tháng.
Vùng 2 gồm quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ. Học sinh khối nhà trẻ, mẫu giáo đóng thấp hơn 25.000 đồng so với ở vùng 1. Khối THPT đóng ít hơn 10.000 đồng.
Vùng 3 có các trường thuộc quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang (trừ các trường ở xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Ninh). Học phí áp dụng với học sinh vùng này chỉ 30.000 đến 35.000 đồng mỗi tháng tùy cấp học.
Học sinh ở vùng còn lại là các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, học phí đều là 8.000 đồng một tháng. Đặc biệt, học sinh THCS và THPT hệ giáo dục thường xuyên ở khu vực này được học miễn phí. Điều này giúp Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương có học phí cho vùng khó khăn thấp nhất - ở mức tối thiểu trong khung do Chính phủ quy định.
TP HCM chia thành hai nhóm để tính học phí. Nhóm 1 là học sinh các quận từ 1 đến 12, quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân. Học phí cấp nhà trẻ đối với nhóm này là 200.000 đồng một tháng, mẫu giáo là 160.000 đồng, THCS 100.000, THPT 120.000 đồng.
Nhóm 2 là các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè có học phí thấp hơn. Nhóm này được áp dụng mức học phí thấp hơn với lần lượt các cấp từ nhà trẻ tới THPT là 140.000; 100.000, 85.000 và 100.000 đồng.
Mức học phí trên được giữ đến hết kỳ một năm học 2018-2019. Sang kỳ hai (từ 1/1/2019), TP HCM áp dụng quy định giảm học phí đối với học sinh bậc THCS. Theo đó, các em ở 19 quận sẽ được giảm từ 100.000 xuống còn 60.000 đồng mỗi tháng, ở năm huyện giảm còn 30.000.
Với nhà trẻ, học sinh 19 quận vẫn giữ nguyên mức 200.000 đồng mỗi tháng, trẻ ở năm huyện giảm từ 140.000 xuống 120.000 đồng kể từ năm 2019.
So với bốn thành phố trên, Cần Thơ có mức học phí thấp nhất. Cũng chia thành hai khu vực là quận và huyện như TP HCM, với quận học phí cấp nhà trẻ, mẫu giáo là 71.000 đồng mỗi tháng, THCS là 65.000 và THPT 75.000 đồng. Học sinh các trường công lập ở huyện sẽ đóng ít hơn ở quận khoảng 30.000 đồng mỗi tháng.
Học phí cơ sở giáo dục công lập do HĐND các địa phương quyết định. Theo Nghị định của Chính phủ "Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021", mức học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.
Khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông năm học 2015-2016 đối với khu vực thành thị từ 60.000 đến 300.000 đồng mỗi tháng, nông thôn từ 30.000 đến 120.000 đồng và miền núi từ 8.000 đến 60.000 đồng. Từ năm 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Hiện, học sinh tiểu học trường công lập, trẻ lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.
Theo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi dự kiến thông qua vào kỳ giữa năm nay, trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh THCS công lập sẽ được miễn học phí, bởi nhóm này là giáo dục bắt buộc.
Theo VNE