Hoạt động kinh doanh đa cấp bị siết chặt, cả nước chỉ còn 20 doanh nghiệp đa cấp có phép
Thông qua những biện pháp quản lý đồng bộ từ phía Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị siết chặt, khiến số lượng công ty đa cấp giảm đi 2/3, nay chỉ còn khoảng 1/3.
Theo luật pháp Việt Nam, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được cho phép. Tuy nhiên, đây lại là ngành nghề nhạy cảm, dễ biến tướng và gây hệ lụy xấu cho xã hội. Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý và đấu tranh phòng chống tội phạm trong kinh doanh đa cấp, từ cấp Trung ương đến địa phương.
Quyết liệt trong công tác kiểm tra, thanh tra
Kể từ năm 2023, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng được Quốc hội thông qua, trong đó bao gồm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Đến năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hàng Nghị định số 55/2024/NĐ-CP nhằm bảo vệ người tiêu dùng và quản lý bán hàng đa cấp.
Năm 2016, Việt Nam có 67 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, đến nay chỉ còn 20 doanh nghiệp được cấp phép. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, Bộ Công Thương đã thu phát hiện và xử phạt nhiều công ty vi phạm, đồng thời thu hồi chứng nhận đăng ký hoạt động của hơn 20 doanh nghiệp. Chỉ trong năm 2023, Bộ đã kiểm tra hành chính 6 doanh nghiệp đa cấp, xử phạt hành chính 5 doanh nghiệp và 1 cá nhân bán hàng đa cấp. Tổng số tiền phạt thu được là 1 tỷ 115 triệu đồng.
Khi được cấp phép, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước và chỉ được hoạt động trong khuôn khổ cho phép. Về cơ bản, các doanh nghiệp đa cấp này không xảy ra các vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Trong năm 2023, tổng doanh thu ngành đa cấp đạt khoảng 16.866 tỷ đồng, nộp cho ngân sách nhà nước 2.255 tỷ đồng tiền thuế.
Quyết liệt trong đấu tranh, phòng chống kinh doanh đa cấp trái phép
Do Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ hơn về hoạt động bán hàng đa cấp, các đối tượng hoạt động bất chính đã tìm cách chuyển sang nhiều hình thức biến tướng hơn, khiến cho hoạt động kinh doanh đa cấp diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã có những giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn ngừa lừa đảo và hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.
Dựa trên đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã bổ sung điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2017. Theo đó, tội “Vi phạm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” sẽ có cơ sở pháp lý để phát hiện và xử lý sớm các vụ việc lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo. Trước kia, khi có đơn tố cáo, pháp luật mới xử lý theo tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Giờ đây, điều luật bổ sung đã người dân tránh được thiệt hại.
Với các trường hợp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, biến tướng lừa đảo sẽ bị theo dõi và xử lý hình sự. Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công Thương đã gửi 9 trường hợp kinh doanh đa cấp có dấu hiệu phạm tội cho cơ quan công an theo dõi và xử lý. Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an và cơ quan công an địa phương trong việc xác minh các trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trong hoạt động tố tụng.
Ngoài ra, để người dân tránh bị lợi dụng, Bộ Công Thương cũng thường xuyên cảnh báo công khai các trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Những thông tin bổ ích này đã giúp người dân tiếp cận được thông tinh nhanh chóng, kịp thời và tránh được các hoạt động bất chính dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp, đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đây là những giải pháp đã đem lại hiệu quả trong những năm qua để có thể tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng.
Theo: Bộ Công Thương
Gia Tuệ