Chủ nhật, 28/04/2024 04:10 (GMT+7)
    Thứ tư, 11/01/2023 10:00 (GMT+7)

    Hóa vàng mã cúng ông Công ông Táo thế nào cho đúng?

    Theo dõi KTMT trên

    Vàng mã cúng ông Công, ông Táo được đốt đi sau khi cúng, tùy theo điều kiện, từng gia đình có thể cúng trước thời điểm ông Táo cưỡi cá chép về trời tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp.

    Hóa vàng mã cúng ông Công ông Táo thế nào cho đúng? - Ảnh 1
    Ảnh minh họa

    Theo quan niệm cổ xưa, ông Công ông Táo quyết định phước đức cho gia đình. Tùy vào lối sống và cách đối nhân xử thế của mỗi gia đình mà phước đức tích được nhiều hay ít. Vì lẽ đó, việc chuẩn bị lễ cúng luôn được chú trọng để bày tỏ lòng thành kính và xin các Táo báo cáo Ngọc Hoàng điều tốt.

    Tùy vào vùng miền, bộ đồ lễ vàng mã cúng ông Công ông Táo sẽ có những thứ cần chuẩn bị khác nhau. Thông thường, lễ vật gồm có mũ ông Công ba cỗ gồm hai mũ của hai Táo ông và một mũ của Táo bà. Mũ dành cho Táo ông sẽ có thêm hai cánh chuồn, còn mũ của Táo bà thì không. Những chiếc mũ này được trang trí với các gương nhỏ hình tròn lấp lánh và kim tuyến nhiều màu sắc. Đôi khi, người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công kèm theo áo và một đôi hia làm bằng giấy.

    Ngoài ra, theo phong tục miền Trung, các gia đình chuẩn bị ngựa bằng giấy với yên và cương đầy đủ, còn miền Nam thì đơn giản với đôi hia, mủ, quần áo bằng giấy.

    Vàng mã cúng ông Công, ông Táo được đốt đi sau khi cúng vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Tiếp đó, gia chủ mới lập bài vị mới cho Táo công.

    Quá trình cúng ông Công, ông Táo phải được làm trước thời điểm ông Táo cưỡi cá chép về trời tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp. Vậy nên, tùy theo điều kiện, từng gia đình có thể cúng trước đó, cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức 20 tháng 12 dương lịch) đến 23 tháng Chạp.

    Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo nhất định phải có cá chép. Nhiều vùng miền còn cúng cá chép sống với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” để đưa các vị Táo về thiên đình. Con cá chép này sẽ phóng sinh (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng). Nếu không có thời gian cũng như điều kiện mua cá sống, các gia đình có thể hóa cá chép giấy cùng với vàng mã và các loại tiền âm phủ.

    Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở ông Táo lên chầu Trời.

    Thu Quỳnh

    Bạn đang đọc bài viết Hóa vàng mã cúng ông Công ông Táo thế nào cho đúng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới