Chủ nhật, 24/11/2024 23:40 (GMT+7)
Thứ tư, 11/10/2023 08:11 (GMT+7)

Hé lộ tài năng kinh doanh thiên bẩm của nữ tỷ phú đô la duy nhất Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Với tư duy kinh doanh nhạy bén, cộng thêm với việc dám nghĩ, dám làm, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã kiếm được 1 triệu đô la đầu tiên khi mới ở tuổi 21.

Gác lại ước mơ làm cô giáo để thành doanh nhân

Là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes, Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo được nhận xét là “người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung”, bởi trong công việc nữ doanh nhân này rất quyết đoán, dám nghĩ và dám làm.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), hãy cùng Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhìn lại chặng đường khởi nghiệp và chèo lái đưa "con tàu" Vietjet Air ra biển lớn của nữ doanh nhân này. 

"Trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ". Đây là 1 câu nói truyền cảm hứng cho phái nữ mà Chủ tịch Vietjet từng chia sẻ.

Hé lộ tài năng kinh doanh thiên bẩm của nữ tỷ phú đô la duy nhất Việt Nam - Ảnh 1
Chủ tịch Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 07/06/1970 trong một gia đình gốc Hà Nội. Năm 17 tuổi bà Thảo thi đỗ Đại học Ngoại Thương Hà Nội, với thành tích học tập tốt, bà được đi du học Đông Âu.

Trong cộng đồng du học sinh Đông Âu bấy giờ, tên tuổi bà Thảo nhanh chóng nổi lên nhờ thành thích học tập xuất sắc và tài năng kinh doanh thiên bẩm. Năm thứ 2 đại học, nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu…

Sau 3 năm buôn bán và tích luỹ bà Thảo đã sở hữu triệu đô la đầu tiên khi mới ở tuổi 21. Với số vốn này, bà Thảo cũng bắt đầu chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác…

“Mình quyết làm gì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng. Thời đó, 8h sáng đi học, chiều về, tôi bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học", Bà Thảo kể về quãng thời gian khởi nghiệp của mình.

Theo thống kê mới nhất từ Forbes, năm 2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD, là người giàu thứ 4 Việt Nam và đứng thứ 1401 thế giới. Nhìn vào thành công của bà Thảo hiện tại, không ai nghĩ ước mơ hồi nhỏ của bà chỉ là là một cô giáo. Bà từng mong có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"… là đủ.

Chia sẻ về ý định khởi nghiệp của mình bà Thảo cho hay, trường Đại học Plekhanov bà học là nơi các chính trị gia, các nhà kinh tế, tài phiệt hàng ngày tiếp xúc với nhau, thầy giáo bà là chủ tịch quốc hội thời đó. Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bảo rằng phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi, nên bà đã gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của mình để quyết định làm kinh doanh. Khi đó bà mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ 2.

Thực hiện hoá giấc mơ được đi máy bay của người nghèo

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng thành lập nên công ty SOVICO Holdings chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, điện tử, may mặc... tại Liên bang Nga.

Đến khi trở về nước, bà Thảo cùng góp vốn thành lập nên ngân hàng Techcombank và ngân hàng VIB. Đến năm 2007, SOVICO Holdings của bà Thảo cùng HDBank, tập đoàn T&C thành lập nên Vietjet Air.

Hé lộ tài năng kinh doanh thiên bẩm của nữ tỷ phú đô la duy nhất Việt Nam - Ảnh 2

Sự xuất hiện của VietJet đã biến việc đi máy bay trở nên gần gũi với người dân Việt Nam.

Nói kể về câu chuyện thành lập hãng hàng không Vietjet Air, bà Thảo cho hay, ban đầu, đề án của Vietjet Air là một hãng hàng không 5 sao. Nhưng rồi trong một dịp gần Tết, thời điểm chuẩn bị cất cánh, bà có đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao, có một bà mẹ hỏi: "Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay". Câu nói đó khiến bà giật mình và cứ văng vẳng theo mỗi bước hoàn thành đề án.

Sau khi trở về, bà Thảo và nhóm đồng sáng lập Vietjet quay sang nghiên cứu mô hình hãng hàng không đại chúng, giá rẻ và nhận thấy mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ.

Kể từ khi Vietjet ra đời, giấc mơ được đi máy bay của người nghèo không còn quá xa vời, những chiếc vé máy bay giá rẻ, vé máy bay khuyến mãi chỉ từ vài trăm nghìn đồng được hãng bay này liên tục được tung ra.

Vì xác định mô hình hàng không giá rẻ, Vietjet gần như cắt bỏ toàn bộ các dịch vụ gia tăng trên mỗi chuyến bay của mình. Khác với Vietnam Airlines, Vietjet đã cắt giảm các chi phí hành lý ký gửi, bỏ suất ăn trên máy bay. Thay vào đó, hành lý, ăn uống trở thành dịch vụ hành khách phải trả tiền riêng tùy theo nhu cầu. Ngoài ra, trên các chuyến bay này, Vietjet cũng không cung cấp phương tiện giải trí nào, khoảng cách các ghế cũng tiết kiệm nhất có thể, thậm chí là cả cuốn tạp chí máy bay.

 Năm 2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Vietjet Air. Dưới sự lãnh đạo tài tình của mình, hãng hàng không giá rẻ Việt Nam đã có những bước tăng trưởng thần tốc. Tính đến năm 2019, Vietjet đã đứng đầu thị trường hàng không Việt Nam và chiếm tới 41,2% thị phần.

"Do ngành Hàng không gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng Vietjet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng nếu so với những điều tôi làm từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả. Các doanh nghiệp khác của tôi như HDBank, trong 8 năm đã tăng trưởng gấp 15 lần, công ty tài chính tiêu dùng HD SAISON tăng 800% trong 3 năm kể từ khi tôi mua lại”, bà Thảo nói trong một cuộc phỏng vấn với Forbes.

Bên cạnh ngành hàng không, hiện nay bà Thảo đang là Phó chủ tịch thường trực của ngân hàng HDBank, Chủ tịch HĐQT của SOVICO Holdings, Chủ tịch Công ty Địa ốc Phú Long... Đều là những doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường Việt Nam

Năm 2020, trang Bussiness Insider đã công bố top 300 gương mặt làm thay đổi kinh tế của 3 khu vực trên thế giới là Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, là nhân vật duy nhất tại Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng 100 người thay đổi kinh tế khu vực Châu Á.

Bussiness Insider đánh giá bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và là người có khả năng "làm những điều khác biệt".

Sự ra đời của Vietjet Air đã tạo cú hích cho nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân Việt Nam, vốn trước đây chỉ coi máy bay là phương tiện đi lại dành cho giới nhà giàu. Theo thống kê, đến nay, Vietjet đã khai thác đường bay đến 17 tỉnh, thành phố tại Việt Nam cũng như 23 điểm đến quốc tế.

Trên thương trường không có chỗ cho sự yếu đuối

Nói về những khó khăn và lợi thế mà phụ nữ gặp phải trên thương trường, nữ tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam cho rằng: “Thương trường là nơi dành cho những người can đảm, trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ”.

Theo Bà Thảo, một khi đã đi làm kinh doanh hay làm bất cứ việc gì, cơ bản bạn vẫn phải cống hiến bằng, năng lực của mình, đừng trông chờ lợi thế. Phụ nữ có lẽ có quỹ thời gian nhiều hơn vì nam giới phải ngoại giao nhiều hơn còn mình dành thời gian đó cho gia đình, cho công ty. Nhưng cũng vì trách nhiệm phụ nữ phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 nam giới. Lợi thế lớn nhất vẫn là giá trị và sự hi sinh cống hiến của bản thân.

Hé lộ tài năng kinh doanh thiên bẩm của nữ tỷ phú đô la duy nhất Việt Nam - Ảnh 3

Nguyễn Thanh Hùng – chồng của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bởi vậy mà ông John Leahy, Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus, từng nhận xét CEO VietJet là "người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung" bởi sự cứng rắn bên trong và vẻ ngoài mềm mỏng của bà mỗi khi đàm phán hợp đồng. Thế nhưng, trong cảm nhận của chính mình, bà Nguyễn Thị Phương Thảo luôn xem thứ "quyền lực" mà bà có, hay thứ "quyền lực" mà Forbes vinh danh, lại đến từ sự dịu dàng, bao dung và đức hi sinh của một người phụ nữ.

CEO VietJet Air từng chia sẻ: "Tôi tin rằng, tôi cũng như bất cứ người phụ nữ Á Đông nào đều đã được dạy đức hy sinh, sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ, tính dịu dàng, bao dung, cho đi mà không đòi hỏi, nghĩ về những người khác trước khi nghĩ về mình, và mang những đức tính ấy vào công việc của mình…ngoài ra, nếu bạn càng ít mong đợi từ những người khác, bạn sẽ càng hạnh phúc khi nhận được điều gì đó ngay lúc bạn không ngờ tới nhất".

H.A

Bạn đang đọc bài viết Hé lộ tài năng kinh doanh thiên bẩm của nữ tỷ phú đô la duy nhất Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
Mới đây, 2 trang trại lớn của Mavin đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Mavin trong việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi hiện đại, bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Tin mới