Hành trình giao thông xanh lại Indonesia
Indonesia đang tích cực chuyển đổi sang giao thông xanh với các hoạt động lắp đặt trạm sạc điện và xây dựng làn đường tự động xạc điện tại thủ đô của quốc gia này.
Với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, khai thác nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, Indonesia đặt mục tiêu phát triển xây dựng 24.720 trạm sạc xe điện vào năm 2030. Đồng thời, tại Nusantara - thủ đô mới của Indonesia đang triển khai làn đường tự động sạc xe điện.
Phát triển gần 25.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030.
Theo Giám đốc phụ trách phát triển dự án xanh và năng lượng tái tạo của Tổng Công ty điện lực Indonesia PT PLN Wiluyo Kusdwiharto, Indonesia đã xây dựng được 345 trạm sạc xe điện (SPKLU) trên 295 địa điểm, trong đó PLN đã sở hữu 150 trạm với 117 địa điểm, tương đương 43%. Đây là con số ấn tượng nhưng còn khiêm tốn so với mức kỳ vọng phát triển của công ty trong tương lai.
Ông Wiluyo cho biết, theo kế hoạch, PLN sẽ xây dựng 24.720 SPKLU để hỗ trợ 254.181 xe điện ở Indonesia vào năm 2030. PLN sẽ triển khai 03 chương trình để phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho chiến lược phát triển xe điện của quốc gia. Ba chương trình gồm: Cung cấp hệ thống sạc tại nhà; hệ thống sạc tại các trung tâm thương mại, khu vực công cộng và trạm trao đổi pin xe điện. Đối với dịch vụ trao đổi pin xe điện sẽ được tích hợp thông qua điện thoại thông minh để kích hoạch dịch vụ.
Hiện Indonesia đang vận hành 22.671 phương tiện xe điện, trong đó 19.698 xe máy điện, 2.654 ô tô điện, 270 xe ba bánh, 43 xe bus và 6 phương tiện vận tải nhỏ.
Tham vọng xây dựng làn đường riêng cho phép sạc pin tại Nusantara - thủ đô mới của Indonesia.
Được xây dựng trên khái niệm "thành phố thông minh", Nusantara kỳ vọng sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới chỉ sử dụng xe tự hành và xe chạy bằng điện năng. Hiện tại, người dùng chỉ có thể sạc pin cho xe điện của mình tại nhà hoặc tại những trạm sạc riêng của hãng xe. Hệ thống sạc xe điện công cộng vẫn chưa được triển khai và phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới.
Việc Indonesia đặt kế hoạch thiết lập hệ thống sạc pin trong khi xe đang vận hành trên những làn đường riêng biệt, nếu thành công, sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại quốc gia này. Cụ thể, truyền thông đưa tin, công nghệ mới này được cho là sẽ hoạt động tương tự như cách sạc không dây của các thiết bị điện thoại di động, sử dụng công nghệ cảm ứng từ. Các dây cáp sẽ được đặt ẩn dưới lòng đường cao tốc và sinh ra trường điện từ, kết nối với thiết bị đặc biệt bên trong những chiếc xe điện để chuyển đổi thành điện năng, giúp sạc pin cho xe điện. Bên trong làn đường này cũng được lắp đặt hệ thống liên lạc, giúp xác định xe đang tiến đến trong làn đường và bắt đầu quá trình sạc.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng tại Nusantara chỉ cho phép các phương tiện chạy bằng điện lưu thông ở các làn đường riêng biệt này, thay vì chạy bằng nhiên liệu hoá thạch (xăng, dầu, than và khí gas) để bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải.
Làn đường sạc tự động dành cho xe điện cũng sẽ giúp giảm tối đa các chi phí xây dựng trạm sạc dành cho các phương tiện chạy bằng điện và việc sạc điện cho xe cũng trở nên dễ dàng, tiện lợi hơn bao giờ hết.
Ông Budi Setiyadi, Cục trưởng Giao thông đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết Nusantara hướng tới mục tiêu trong tương lai sẽ hạn chế những phương tiện cá nhân và ưu tiên người dân sử dụng phương tiện chính là ô tô tự hành, loại hình ô tô có thể tự vận hành mà không cần tới sự can thiệp của con người.
Chính phủ Indonesia hiện đang thực hiện công tác chuẩn bị cũng như phát triển các cơ sở hạ tầng, ngân sách và sửa đổi Luật Giao thông nhằm thực hiện mục tiêu trên. Hệ thống làn đường sạc điện tự động cho xe đã được thử nghiệm và triển khai ở một số quốc gia. Vào tháng 6 vừa qua, Thuỵ Điển đã xây dựng một tuyến đường sạc điện cho các ô tô di chuyển tại đảo Gotland.
Chưa có thông tin chính thức về khả năng thành công của tham vọng này cũng như thời điểm hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành thực tế tại Nusantara. Nhưng có thể thấy đây là những dấu hiệu tích cực cho những nỗ lực của chính phủ Indonesia trong việc chuyển đổi giao thông xanh.
Linh Chi