Hàng Việt ra thế giới bằng thương mại điện tử trong mùa dịch
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
Nhằm phục hồi kinh tế sau Covid-19, các nước đang xúc tiến thương mại nhằm nối lại hoạt động đã bị đứt gãy và chuẩn bị đơn hàng cho những dịp lễ cuối năm. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi nhu cầu của các thị trường đang tăng trở lại. Việc giao dịch trên các thị trường thương mại điện tử cũng đang là cách tiếp cận hiệu quả cho doanh nghiệp Việt và đây là chủ đề trong phiên thảo luận về "Chiến lược xuất khẩu thông minh trên nền tảng số", chiều 14/12 tại Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm mầm FTU (FIIS) thuộc Đại học Ngoại thương Lê Thu Hà cho biết, việc thương mại điện tử chiếm 19,5% thị phần bán lẻ toàn cầu với mức tăng trưởng 15% mỗi năm, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 đã khiến thói quen sử dụng các trang thương mại điện tử được hình thành rộng rãi ở người tiêu dùng.
Do đó, ngành thương mại điện tử có điều kiện phát triển mạnh trong thời gian dịch bệnh vì hướng tới tạo cầu nối để hàng hóa được chuyển trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng, tránh các bước trung gian, giảm thiểu các chi phí phát sinh và sự phức tạp trong quá trình giao dịch tiếp xúc.
Cùng với đó, theo bà Hà việc tham gia các trang thương mại điện tử để đưa hàng ra quốc tế cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt, nhất là tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với mở một gian hàng trực tiếp tại thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng nguồn khách hàng có sẵn của các trang thương mại trực tuyến để phát triển thương hiệu và mở rộng quảng bá sản phẩm.
Gian hàng online này còn có thể xem như một cách để các doanh nghiệp thử thăm dò thị trường và nắm bắt được thị hiếu, mức độ quan tâm của thị trường đối với mặt hàng của họ.
Cùng chung quan điểm với bà Hà, bằng kinh nghiệm thực tế của công ty mình, ông Thân Văn Hùng, Giám đốc Công ty Visimex cho biết, doanh nghiệp của ông cũng bắt đầu bước ra thị trường thế giới thông qua việc kinh doanh trên một gian hàng thương mại điện tử. Lựa chọn này của công ty xuất phát từ lợi thế về giá rẻ, khả năng tiếp cận thị trường cao, rất phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ trên thị trường.
Mặt khác, lượng khách hàng có sẵn kể trên không phải lượng khách hàng thực của doanh nghiệp nên thường không bền vững. Bên cạnh đó, chi phí lưu kho của các nền tảng này rất cao, cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khác biệt về mặt ngôn ngữ cũng là một rào cản cho các doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử quốc tế.
Ông Hùng, bằng kinh nghiệp thực tế hoạt động cũng đưa ra những lời khuyên cho các doanh nghiệp về việc chú trọng ngay từ đầu trong lựa chọn mặt hàng kinh doanh. Ngoài việc đa dạng về sản phẩm, doanh nghiệp cũng nên chọn những mặt hàng đặc trưng, thế mạnh của quốc gia để tận dụng thương hiệu và tính cạnh tranh.
Ông cũng nêu ví dụ của chính công ty mình, sau thời gian đầu thử nghiệm với nhiều mặt hàng, ông đã chọn được xuất khẩu quế, hạt tiêu, hạt điều là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam và không vấp phải sự cạnh tranh lớn với các quốc gia khác.
Trong thời gian qua, để giữ chân được khách hàng, Visimex cũng thường xuyên tham gia hội chợ trực tuyến quốc tế để đánh giá nhu cầu thị trường cũng như duy trì hình ảnh, tính hiện diện của sản phẩm, thương hiệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang chủ động số hóa dữ liệu khách hàng, triển khai chăm sóc khách hàng qua ứng dụng do công ty xây dựng, ông Hùng cho biết.
Bùi Hằng