Hàng tấn cá tầm chết trắng hồ nghi nhiễm độc
Hàng loạt hồ nuôi cá tầm trơ đáy, một số hồ được phủ bạt vì cá chết chưa kịp dọn, những chiếc máy bơm nước ngừng hoạt động… Khung cảnh hoang tàn bao phủ khu nuôi cá tầm của một hộ dân ở khu vực thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng; khi hàng tấn cá tầm thịt và hơn bốn nghìn cá tầm giống, đã bị “trôi” theo nguồn nước nghi bị nhiễm độc.
Con suối phía trên khu vực nuôi cá tầm rộng hơn 1.000 m2 của ông Nguyễn Công Trọng Sơn (ngụ phường 12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), vẫn róc rách. Dọc con suối tự nhiên này là những nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao và đây là một phần nguồn nước tưới của những nhà vườn này. Nhưng, phía hạ nguồn, những hồ nuôi cá tầm đã trơ đáy. Ông Sơn vén tấm bạt ni-lông, mùi khó chịu bốc lên nồng nặc, khi lượng cá chết chưa kịp tiêu hủy.
Ông Sơn cho biết, khu đất đầu tư gần 10 hồ nuôi cá tầm trên, ông thuê của gia đình ông Lê Quý (ngụ phường 12, TP.Đà Lạt), là hàng xóm láng giềng, vào tháng 3/2018, với tổng số tiền thuê 5 năm là 50 triệu đồng và đã đóng đủ tiền thuê. “Trước khi thuê đất nuôi cá ở đây, tôi đã đi làm thuê nuôi cá tầm nhiều nơi rồi. Với kinh nghiệm tích lũy được, nên tôi đánh giá khu vực này rất phù hợp để phát triển loài cá này, từ địa hình, nguồn nước, nhiệt độ trung bình… Nhưng khi chuẩn bị được hưởng thành quả lao động thì lại trắng tay”, ông Sơn ngậm ngùi.
Ông Sơn thất thần khi phát hiện hàng loạt cá tầm chết ngửa bụng. |
Dù loài cá này đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng quy trình và kỹ thuật nuôi khá phức tạp, đặc điểm loài cá nước lạnh rất nhạy cảm, chỉ cần nguồn nước không lưu thông, ô nhiễm hoặc một lượng nhỏ thuốc bảo vệ thực vật người dân trồng rau, hoa súc rửa phía đầu nguồn cũng bị ảnh hưởng, cá có thể chết hàng loạt. Nhận biết điều đó, nên trước khi làm hồ nuôi cá tầm, ông Sơn đã tìm gặp tất các hộ canh tác nông nghiệp quanh khu vực suối để nhờ hỗ trợ, cùng gìn giữ nguồn nước suối. Tuy nhiên, chuyện nuôi cá nước lạnh nhỏ lẻ, tự phát thì rủi ro vẫn luôn rình rập.
“Tháng 10/2018, toàn bộ năm tấn cá thịt gần đến kỳ xuất bán, hơn 2.000 con cá giống của gia đình tôi bỗng chết ngửa bụng. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết, do thuốc sâu theo nguồn nước từ vườn trồng hoa của anh Trương Văn Sang (con rể ông Quý) đổ xuống. Tôi tưởng sự việc vô tình nên cũng không truy cứu”, ông Sơn kể.
Ông Sơn chỉ khu vực đầu ống tại vườn của anh Sang, nơi đổ nước thải và nước súc bình xịt thuốc sâu của vườn. |
Sau đó, tháng 12/2019, ông Sơn tiếp tục mua 2.000 con cá tầm giống về nuôi. Đến ngày 30/4 vừa qua, toàn bộ số cá này cũng chết trắng hồ. Ông Sơn tiếp tục lần mò tìm hiểu, phát hiện đường ống của vườn anh Sang dẫn xuống suối (cũng là nguồn nước nuôi cá tầm của ông Sơn) có mùi thuốc bảo vệ thực vật. “Tôi gọi vợ chồng ông Quý cùng anh Sang xuống chứng kiến sự việc. Khi đó anh Sang nói, do người làm công đổ thuốc sâu. Sau hai lần toàn bộ cá bị nhiễm độc, thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng, hiện gia đình tôi không còn vốn liếng và tâm trạng để làm ăn nữa”, ông Sơn bức xúc.
Khu vực nuôi cá tầm của gia đình ông Sơn tan hoang, nhiều hồ trơ đáy. |
Liên quan vụ việc, trao đổi với Nhân Dân điện tử, Thượng tá Phạm Phú Ty, Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương xác nhận, khi ông Sơn trình báo vụ việc, đơn vị đã cử cán bộ đến hiện trường lập biên bản. Phía anh Sang cũng thừa nhận, người làm công khi bơm thuốc cho vườn xong có súc bình và xả ra đường ống dẫn xuống suối.
“Khi ông Sơn trình báo thì vụ việc đã xảy ra vài ngày, dòng suối nước chảy liên tục và dọc suối có nhiều người canh tác nông nghiệp, hồ nuôi cá của ông Sơn lại nằm phía cuối nguồn, trong khi loài cá nước lạnh này rất nhạy cảm với ô nhiễm nguồn nước, dễ chết… nên xử lý vụ việc này rất khó, vì không lấy được mẫu thuốc bảo vệ thực vật và mẫu nước để đi giám định, tức không đủ cơ sở để xử lý”, Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương thông tin.
Chưa hoặc sẽ không biết sự việc rửa bình bơm thuốc sâu sau đó xả ra suối là vô tình hay cố ý. Nhưng, hiện toàn bộ số cá tầm của gia đình ông Sơn đã chết trắng hồ, đành chịu ngậm ngùi… Câu chuyện trên đã dấy lên nỗi lo và sự rủi ro khi nuôi cá nước lạnh tự phát.
Bảo Văn