Thứ tư, 09/10/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ tư, 18/09/2024 14:21 (GMT+7)

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Theo dõi KTMT trên

Ngành hàng không Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hoạt động nhằm giảm phát thải khí carbon nhưng lộ trình này không hề dễ dàng.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1
Ngành hàng không Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải.

Thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải, hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Kết quả đã có những tín hiệu khả quan nhưng theo các chuyên gia hàng không, lộ trình này không hề dễ dàng.

Những tín hiệu khả quan

Theo số liệu thống kê, lượng khí thải CO2 phát ra từ ngành hàng không chiếm từ 2,5 tới 3% tổng lượng phát thải toàn cầu. Để cải thiện tình trạng này, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trước mắt các quốc gia nhất trí sẽ giảm 5% lượng khí thải trong ngành hàng không vào năm 2030. Tại Việt Nam, các hãng hàng không trong nước cũng đang theo đuổi mục tiêu Net Zero.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 2
Trong nỗ lực “làm sạch bầu trời”, bài toán đặt ra cho ngành hàng không là làm thế nào để tìm được nguồn “năng lượng xanh” thay thế cho nhiên liệu hóa thạch mà các hãng đang sử dụng hiện nay.

Tiên phong trong việc sử dụng nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay chở khách thương mại, cuối tháng 5 vừa qua, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trên hành trình từ Singapore đến Hà Nội. Sự kiện ghi nhận dấu mốc mới của ngành hàng không Việt Nam trong lộ trình hướng tới mục tiêu Net Zero - phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, nhằm giải quyết bài toán giảm phát thải ròng, Vietnam Airlines cũng triển khai nhiều giải pháp xanh hóa nhằm xây dựng hình ảnh một “hãng hàng không xanh”. Đơn cử tháng 5/2023, hãng tham gia “thử thách chuyến bay bền vững” với việc triển khai tặng hành khách túi tái chế từ áo phao cũ, phục vụ suất ăn từ các thực phẩm bền vững và kêu gọi hành khách mang đồ dùng cá nhân thay vì sử dụng các vật phẩm dùng một lần trên chuyến bay như cốc giấy, bàn chải đánh răng, chăn, áo ấm. Hay gần đây nhất, hãng triển khai thu hồi, tái cấp các sản phẩm thực phẩm khô, dụng cụ dùng một lần đảm bảo chất lượng sau chuyến bay và quyên góp cho tổ chức giải cứu thực phẩm VietHarvest.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 3

Những chiếc túi được tái chế từ áo phao cũ trên máy bay.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trước đó hãng cũng áp dụng giải pháp single engine taxiing (lăn bánh một động cơ) nhằm giảm tiếng ồn tại sân bay và giảm nhiên liệu tiêu thụ, từ đó giảm phát thải. “Sau 5 năm áp dụng giải pháp này, Vietnam Airlines đã giảm được hơn 4.000 tấn CO2”, Phó Giám đốc Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn cho biết. Việc đầu tư máy bay mới cũng giúp hãng đạt những kết quả khả quan trong mục tiêu giảm phát thải.

Theo nghiên cứu, những chiếc máy bay thế hệ mới đều thân thiện môi trường nhờ tích hợp công nghệ tiên tiến, giúp giảm 25% nhiên liệu tính trên mỗi ghế và khí thải so với các dòng máy bay thế hệ trước. Chỉ riêng năm 2023, thông qua các hoạt động tối ưu khai thác máy bay, tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí CO2 mà Vietnam Airlines cắt giảm được là gần 70.000 tấn, giảm được nhiều hơn 1,5 lần so với năm 2022 (44.240 tấn).

Tương tự, Vietjet cũng đã thực hiện các chuyến bay ít phát thải CO2, đầu tư đội máy bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Trong những tháng cuối năm 2024, Vietjet dự kiến sẽ nhận thêm 10 máy bay thế hệ mới, phần lớn là A321neo ACF hiện đại nhất hiện nay của Airbus.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 4

Hành khách cũng được khuyến khích nên mang theo đồ dùng cá nhân, hạn chế sử dụng đồ dùng một lần trên các chuyến bay.

Hiện Vietjet cũng đang khai thác đội bay hơn 100 chiếc máy bay hiện đại. Những máy bay này có thể giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu 16%, tiết giảm tiếng ồn tới 75% và lượng khí thải ra môi trường tới 50% so với máy bay thế hệ cũ. Trong khi đó, Bamboo Airways hiện chỉ còn 8 chiếc A320/321, dự kiến tăng lên 12 - 15 chiếc cùng loại từ nay đến cuối năm và cũng là dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải ra môi trường.

Trao đổi thêm với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, đại diện Vietravel Airlines cũng khẳng định, hãng triển khai đầy đủ các công tác trong việc góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu của ngành hàng không dân dụng, đặc biệt trong các dự án xanh.

“Hãng đã và đang thực hiện việc báo cáo kiểm soát khí thải hằng năm cho Cục Hàng không Việt Nam theo thông tư số 22/2020/TT-BGTVT về việc quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng”, đại diện Vietravel Airlines nói và cho biết, với vai trò là thành viên trong Tổ công tác chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (do Cục Hàng không chủ trì), sẽ tiếp tục bố trí đầy đủ nguồn lực, đóng góp ý tưởng vào các hoạt động này.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 5

Mô hình phối hợp ra quyết định tại Cảng hàng không, sân bay (A-CDM) được triển khai tại 2 nhà ga lớn nhất cả nước cũng phần nào giúp xác định chính xác thời gian cất cánh, hạ cánh, giảm thiểu được nhiên liệu phải sử dụng. 

Bên cạnh nỗ lực của các hãng hàng không, các cảng hàng không cũng đang nỗ lực triển khai các hệ sinh thái xanh. Mới đây, mô hình A-CDM cũng được đưa vào triển khai tại 2 nhà ga lớn nhất cả nước giúp xác định chính xác thời gian cất cánh, hạ cánh, giảm thiểu được nhiên liệu phải sử dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiến trình giảm phát thải của hàng không còn tương đối chậm và phía trước còn rất nhiều thách thức cần có sự chung tay vào cuộc từ chính phủ đến các nhà sản xuất tàu bay, các hãng hàng không và hành khách.

Cần lộ trình dài hơi

Tại Hội thảo giám sát lượng khí thải CO2 và các biện pháp giảm thiểu lượng khí thải từ hoạt động hàng không dân dụng, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, khẳng định nhiên liệu hàng không bền vững hay nhiên liệu hydro là những giải pháp khả thi để ngành hàng không có thể thực hiện mục tiêu Net Zero phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng thay vì chờ đợi đến thời điểm các nhiên liệu xanh được đưa vào sử dụng hàng loạt thì các hãng hàng không cần thay đổi thân thiện với môi trường từ những vật tư, vật liệu nhỏ nhất, hành khách cũng cần có ý thức hạn chế rác thải khi tham gia di chuyển.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 6
Theo ông Đặng Anh Tuấn, việc đầu tư máy bay mới cũng giúp hãng đạt những kết quả khả quan trong mục tiêu giảm phát thải.

Ông Nề cho rằng, việc sử dụng nhiên liệu giúp giảm thiểu lượng khí thải từ hoạt động hàng không như khí hydro… dù kết quả đạt chưa được 0,2% nhưng là những tín hiệu mở ra cho các hướng đi trong tương lai khi sử dụng các thiết bị mới cũng như sử dụng nhiên liệu bay tiết kiệm và đảm bảo không ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, hàng năm các hãng hàng không Việt Nam cũng cập nhật và báo cáo ICAO về các hoạt động giảm phát thải khí carbon trong lĩnh vực hàng không.

Tuy nhiên, theo ông Thắng đây chỉ là những bước khởi đầu của cả quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực lớn của ngành, đặc biệt là của các doanh nghiệp vì sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 7

Ngành hàng không thống nhất mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) mới đây, những nỗ lực của các hãng hàng không trong việc giảm phát thải khí carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050 đáng ghi nhận. Tuy nhiên, IATA cũng khẳng định, yếu tố quan trọng nhất trong giảm phát thải khí nhà kính là sử dụng nhiên liệu SAF vì loại nhiên liệu này có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với sử dụng nhiên liệu truyền thống. Thế nhưng, loại nhiên liệu SAF hiện còn hiếm và rất đắt đỏ, chi phí sản xuất nhiên liệu sạch đang cao gấp 2 - 3 lần so với nhiên liệu bay hóa thạch.

Theo các chuyên gia, việc cắt giảm khí thải trong lĩnh vực hàng không bao gồm đầu tư đổi mới đội bay và sử dụng nhiên liệu SAF đều rất tốn kém. Mới đây nhất, hãng hàng không Air New Zealand vừa trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2030 do việc trang bị máy bay mới và nhiên liệu dành cho máy bay mới rất khó mua và đắt tiền.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn như giá nhiên liệu tăng, biến động tỷ giá, thiếu máy bay… Chỉ riêng chi phí nhiên liệu tăng và biến động tỷ giá đã khiến Vietnam Airlines tăng thêm chi phí 10.000 tỷ đồng so với năm 2019, chưa kể giá cho thuê máy bay và việc triệu hồi máy bay sữa chữa động cơ làm giảm 40 - 45 máy bay so với năm 2023. Những khó khăn này đã đẩy giá vé máy bay tăng cao.

Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 8
IATA cũng khẳng định, loại nhiên liệu SAF hiện còn hiếm và rất đắt đỏ, chi phí sản xuất nhiên liệu sạch đang cao gấp 2 - 3 lần so với nhiên liệu bay hóa thạch.

Thống kê cho thấy, kể từ năm 2019, giá vé máy bay có xu hướng tăng cao tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2024 giá vé tăng khoảng 15% - 17% so với cùng kỳ, tùy thuộc chặng bay, ngày bay, giờ bay.

Các chuyên gia cũng dự báo, giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3% - 7% trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, đầu tư cho việc cho cắt giảm khí thải càng trở nên khó khăn đối với các hãng hàng không.

Đại diện các hãng hàng không vì thế cũng bày tỏ mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giúp loại nhiên liệu bền vững được sản xuất đại trà với chi phí rẻ hơn. Trong khi chờ đợi, các hãng hàng không Việt Nam vẫn đang tìm cách thay đổi thân thiện với môi trường từ những vật tư, vật liệu nhỏ nhất, đồng thời kêu gọi hành khách có ý thức hạn chế rác thải khi tham gia di chuyển.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực hàng không đã được quy định tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT.

Võ Chí Kiên

Bạn đang đọc bài viết Hàng không Việt nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Lãi suất ngân hàng MB tháng 10/2024
Tháng 10/2024, lãi suất Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) điều chỉnh tăng lãi ở các kỳ hạn. Mức lãi suất cho khách hàng cá nhân 2,9-5,7%/năm.

Tin mới

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...