Thứ bảy, 23/11/2024 03:52 (GMT+7)
Thứ ba, 18/01/2022 17:00 (GMT+7)

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích

Theo dõi KTMT trên

Trải qua hơn hai năm dịch bệnh Covid-19, hàng không Việt Nam đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để các hãng hàng không tìm kiếm lối đi riêng để phát triển.

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 1

Hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không thế giới có sự phát triển rất mạnh mẽ. Tính trung bình, ngành hàng không trên toàn thế giới đã tạo ra khoảng 65,6 triệu việc làm, trong đó, có 10,2 triệu việc làm trực tiếp và hơn 55 triệu việc làm gián tiếp, các hoạt động hàng không có tác động tới 2,7 nghìn tỷ USD các hoạt động kinh tế, tương đương khoảng 3,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế thế giới đã phải chịu nhiều thiệt hại to lớn, mà ngành đầu tiên chịu tác động nặng nề nhất chính là ngành vận tải hàng không. 

Trong bối cảnh khủng hoảng của ngành hàng không thế giới, hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra từ cuối tháng 4/2021 với tốc độ lây lan nhanh chóng tại các tỉnh miền Nam khiến cho hoạt động hàng không lại càng thêm điêu đứng. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay “đắp chiếu”, hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ... Trong 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đường hàng không chỉ đạt 13,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 57,7 so với cùng kỳ năm 2019; Luân chuyển đạt 12,3 tỷ lượt khách, giảm 46,6% và giảm 72,5%. 

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 2

Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch Covid-19, các hãng hàng không đã phải tìm ra giải pháp giúp “sống chung với dịch” và duy trì, đẩy mạnh hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh sự hỗ trợ chính sách từ cáccơ quan chức năng thì sự chủ động thích ứng của ngành hàng không cũng là một giải pháp giúp tránh được nguy cơ phá sản.

Ngay từ năm 2020, Vietnam Airlines đã khẩn trương bắt tay vào tái cơ cấu toàn diện, giúp hãng trụ vững trước đại dịch đến thời điểm này. Vietnam Airlines đã tận dụng mọi cơ hội để gia tăng doanh thu, mà trọng điểm là tăng cường các hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia; Duy trì thị phần nội địa và sẵn sàng khôi phục mạng bay nội địa khi dịch được kiểm soát tốt.

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 3

Trong thời gian qua, hoạt động vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines đã góp phần đáng kể đảm bảo giao thương, sản xuất trong đại dịch, với hàng trăm nghìn tấn vải thiều, thủy sản, linh kiện điện tử, nguyên liệu dệt may được vận chuyển toàn cầu... Trong giai đoạn 2022-2025, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường phục hồi trở lại, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác tải hàng hóa ở khoang bụng hàng trên các chuyến bay chở khách, tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả đội tàu bay hoán cải chở hàng. Từng bước đầu tư và đưa vào khai thác đội tàu bay chở hàng chuyên dụng vào thời điểm thích hợp khi nguồn lực tài chính cho phép.

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 4

Ngày 2/9/2021, Vietnam Airlines đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh). 

Đáng chú ý, ngày 4/9/2021, chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản có “hộ chiếu vaccine” đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Các hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng chống Covid-19 và đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế bảy ngày của Bộ Y tế Việt Nam.

Ngày 12/9/2021, 2 chuyến bay thí điểm áp dụng chương trình cách ly y tế 7 ngày chở theo 345 người Việt Nam khởi hành từ Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Hành khách trên chuyến bay đều có đủ điều kiện nhập cảnh và cách ly theo chương trình thí điểm “Hộ chiếu vaccine” của Bộ Y tế.

Không chỉ riêng Vietnam Airlines, Vietjet đã chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa và là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC).

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 5
Nguồn: Cục hàng không Việt Nam.
Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 6

Trong năm 2021, việc khơi thông, kết nối vùng đất tiềm năng được cũng các hãng hàng không triển khai. Đặc biệt là đường bay thẳng Mỹ - đường bay quốc tế được chờ đợi suốt 20 năm qua. Theo đó, chuyến bay VN98 đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco 10h42 sáng 29/11 (giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay không điểm dừng là 13 tiếng 45 phút. Đây là chuyến bay chính thức đánh dấu sự khai mở đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ, do Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện

Mới đây nhất, ngày 17/12, tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia, Hãng hàng không Bamboo Airways đã công bố đường bay thẳng Việt Nam - Australia; ký kết các thỏa thuận hỗ trợ với sân bay Melbourne và bang Victoria, nhằm xúc tiến đường bay thẳng kết nối hai nước.

Theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ triển khai đường bay thẳng thường lệ kết nối TP.HCM với Melbourne ngay từ đầu năm 2022, khi điều kiện thị trường cho phép. Tần suất khai thác dự kiến ban đầu là 2 chuyến khứ hồi/tuần. Tần suất này sẽ được nâng dần lên 4 chuyến/tuần, theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, hãng cũng xem xét xúc tiến đường bay thẳng thường lệ kết nối Thủ đô Hà Nội với Melbourne. Đường bay thẳng của Bamboo Airways sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Việt Nam và Australia xuống chỉ còn hơn 8 giờ bay, tiết kiệm đến 8 giờ so với các chuyến bay quá cảnh.

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 7

Trước đó, ngày 31/10, Bamboo Airways cũng đã công bố đường bay thẳng Việt - Anh và ra mắt Tổng đại lý của hãng tại Anh. Hãng dự kiến chính thức đưa vào khai thác thương mại các đường bay thẳng thường lệ kết nối Thủ đô Hà Nội (Sân bay Nội Bài) và TP.HCM (Sân bay Tân Sơn Nhất) với Vương quốc Anh (Sân bay Heathrow, London) từ cuối năm 2021, khi được sự cho phép của chính phủ hai nước. Tổng tần suất ban đầu dự kiến là 6 chuyến khứ hồi/tuần, tần suất chung sẽ được nâng dần lên thường nhật từ năm 2022.

Đường bay thẳng của Bamboo Airways khi đi vào khai thác sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Việt Nam và Anh xuống chỉ còn khoảng hơn 12-13 giờ, tiết kiệm đến xấp xỉ 7 giờ so với các chuyến bay quá cảnh. Khi đi vào hoạt động, đường bay thẳng Việt - Anh sẽ còn góp phần tăng cường vị thế cửa ngõ hàng không vào khu vực Đông Dương (Lào, Cambodia, Myanmar, Việt Nam) của quốc gia. Đường bay cũng mở ra cơ hội tăng cường mạng bay giữa Việt Nam với một khu vực kinh tế rộng lớn, phát triển hàng đầu thế giới gồm: Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan…, rộng hơn nữa là khu vực Nam Âu.

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 8
Kết quả vận chuyển của hàng không Việt Nam tháng 10/2021.
Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 9

Theo kế hoạch đã được Chính phủ chấp thuận thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022, thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ).

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) Bùi Doãn Nề cho biết, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2022), Hàng không Việt Nam sẽ thí điểm tổ chức các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao. Những tín hiệu tích cực của ngành Hàng không trong năm 2022 được thể hiện bằng việc đường bay quốc tế được khôi phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.

"Thực tế, nếu Việt Nam tiếp tục đóng cửa bầu trời, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Còn nếu mở cửa quá chậm, năng lực cạnh tranh sẽ giảm mạnh so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi của thị trường cũng sẽ chậm hơn. Để đảm bảo mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng dịch, việc lựa chọn những thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, có tỷ lệ tiêm vaccine cao như đề xuất của Bộ GTVT là hợp lý", ông Bùi Doãn Nề cho hay.

Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo, năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ. Vận tải hàng không sẽ quay về mức 70-75% so với giai đoạn năm 2019 trước khi có dịch Covid-19, trong đó, vận tải quốc tế sẽ đạt khoảng 20-25% so với trước dịch và tăng dần vào quý IV/2022.

Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích - Ảnh 10

Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam, Hoàng Tri Mai.

“Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 20 năm tới với mức tăng trưởng trung bình 4%/năm.

Việt Nam sẽ là một trong những nước hàng không tăng trưởng trong top đầu.

Trước đại dịch, hàng không Việt Nam đã có nhiều năm liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Tôi tin đà tăng trưởng này sẽ quay trở lại với hàng không Việt sau khi dịch Covid-19 đi qua.”

Nội dung: Phạm Giang
Đồ họa: Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Hàng không Việt Nam năm 2021 – Bứt phá ngoạn mục, vượt qua đại dịch với nhiều kỳ tích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới