Thứ sáu, 29/03/2024 19:06 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/01/2022 15:00 (GMT+7)

Cục Hàng không đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới các nước châu Âu

Theo dõi KTMT trên

Đây là đề xuất mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam liên quan đến việc mở rộng phạm vi, tần suất hoạt động các chuyến bay quốc tế thường lệ. Trong đó, bao gồm các quốc gia Pháp, Đức, Anh và Nga.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cho phép thông báo với nhà chức trách hàng không các quốc gia Pháp, Đức, Anh và Nga về vấn đề tổ chức lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách. Theo đề xuất, tần suất ban đầu là 10 chuyến/tuần/chiều cho toàn bộ hãng hàng không mỗi bên đối với từng thị trường.

Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị cho phép chủ động làm việc với các quốc gia, vùng lãnh thổ để quyết định chuyến bay đi, đến. Tần suất khai thác trên cơ sở nhu cầu thị trường và phù hợp với hiệp định hàng không giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cục Hàng không đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới các nước châu Âu - Ảnh 1
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng phạm vi, tần suất hoạt động các chuyến bay quốc tế thường lệ. (Ảnh: VNA)

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu về Việt Nam từ khu vực châu Âu sẽ qua các cửa ngõ là Pháp (Paris), Đức (Frankfurt), Anh (London) và Nga (Moscow). Trên thực tế, hành khách từ khu vực này hiện đến Việt Nam vẫn phải bay qua các cửa ngõ đang có các chuyến bay thẳng trực tiếp. Do vậy, việc nối lại các đường bay thẳng từ khu vực này đến Việt Nam là cần thiết.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã làm việc với nhà chức trách hàng không Australia để sẵn sàng khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ. Theo đó, ngày 11/1/2022, Cục Hàng không có văn bản gửi nhà chức trách hàng không Australia thông báo các hãng hàng không hai nước có thể tổ chức lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách giữa Việt Nam và Australia. Tần suất ban đầu là 10 chuyến/tuần/chiều cho toàn bộ các hãng hàng không mỗi bên.

“Việc mở rộng các điểm đến, tần suất nêu trên là cần thiết, phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách, tạo điều kiện để hỗ trợ tất cả các các hãng hàng không Việt Nam có cơ hội tham gia khai thác thị trường thường lệ quốc tế, khắc phục khó khăn để đứng vững và phát triển”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nêu quan điểm.

Được biết, trong tuần đầu tiên của năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam đã triển khai các chuyến thương mại chở khách thường lệ từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Đài Bắc (Trung Quốc) thực hiện 16 chuyến bay, tổng số khách đến Việt Nam đạt xấp xỉ 1 nghìn khách.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, có khoảng 140 nghìn người có nhu cầu người Việt Nam về nước đón Tết. Dự báo lượng khách về Việt Nam sẽ vượt 30 nghìn hành khách/tuần, bao gồm cả công dân Việt Nam, Việt kiều và người nước ngoài là khách ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...

Đối với các đường bay quốc tế thường lệ từ Pháp, Đức, Anh và Nga, Cục đã kiến nghị khai thác trở lại với tần suất ban đầu là 10 chuyến/tuần/chiều, cho toàn bộ các hãng mỗi bên đối với từng thị trường. Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ GTVT, Cục sẽ thông báo kế hoạch tổ chức chuyến bay đối với các thị trường này. 

Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng lập kế hoạch khai thác các đường bay không muộn hơn ngày 20/1. Trường hợp hãng nào không thể tổ chức khai thác chuyến bay như kế hoạch trên, cơ quan này sẽ thu hồi và chuyển hãng khác.

Kiến nghị chấm dứt bay giải cứu

Các hãng hàng không trong nước cũng vừa đề xuất mở không giới hạn các chuyến bay quốc tế, số lượng cụ thể sẽ do hãng tự quyết định trên cơ sở nhu cầu của thị trường và sự cho phép của nhà chức trách hàng không nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) cho rằng, khi cơ quan quản lý đã đồng ý mở bay thương mại quốc tế định kỳ thì cần chấm dứt bay combo hay còn gọi là các chuyến bay giải cứu, bay charter.

Lý giải nguyên nhân là do hành khách phải trả chi phí quá cao, dễ phát sinh cơ chế xin cho, tiêu cực. Đồng thời, nếu vẫn bay charter thì có khả năng các chuyến bay quốc tế thương mại định kỳ sẽ bị gây khó dễ (vì không có lợi đối với những tổ chức, cá nhân tổ chức bay charter).

Trong khi đó, ngành hàng không và du lịch nước ta đang bị mất cơ hội cạnh tranh so với hàng không, du lịch thế giới, ngay cả với hàng không Campuchia, do Việt Nam chậm bay thương mại định kỳ. Ngay cả khi Chính phủ đã phê duyệt, chỉ đạo mở bay thương mại định kỳ thì việc triển khai cũng rất chậm. Đặc biệt là hiện có những rào cản kỹ thuật từ phía một số bộ, ngành địa phương, trong đó có yêu cầu cách ly, thu phí visa...

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cục Hàng không đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới các nước châu Âu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.