Hàng hóa Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển ở khu vực ASEAN
Theo chuyên gia, đẩy mạnh khai thác các thị trường lân cận, đặc biệt là ASEAN được xem là giải pháp để doanh nghiệp duy trì kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ, việc đẩy mạnh khai thác các thị trường lân cận, đặc biệt là ASEAN được xem là giải pháp để doanh nghiệp duy trì kim ngạch xuất khẩu.
Các chuyên gia đã đưa ra nhận định trên tại Hội thảo Thị trường các quốc gia ASEAN và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/6.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương nhận định, hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển ở khu vực ASEAN.
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty May Hưng Long (Mỹ Hào, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Hiện nay, Indonesia, Thái Lan, Philippines là ba thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất với nhiều mặt hàng đa dạng. Đặc biệt, trái cây sấy khô và mặt hàng dệt may dành cho khách du lịch của Việt Nam được nhiều nhà thu mua, phân phối của Thái Lan quan tâm. Trong khi đó, Indonesia Philippines, lại có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy phát điện, máy bơm nước, điện da dụng, thiết bị viễn thông từ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Phúc Nam, ASEAN đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, năm 2019 xuất khẩu gạo ASEAN đạt 1 tỉ USD, trong đó Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, mặt hàng thủy sản, cà phê, rau quả cũng có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường. Cá tra có lợi thế xuất khẩu ở Thái Lan và Singapore, nhóm hàng cà phê, chè, gia vị đang chiếm tỉ trọng lớn tại Indonesia, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam vào cả khối ASEAN ghi nhận tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dịch Covid-19 đã khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN nửa đầu năm 2020 giảm 13,4%.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu vào ASEAN thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn xuất phát từ điều kiện chủ quan. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nội khối đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất sản phẩm còn lạc hậu, chủ yếu phù hợp với các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar.
Ở các thị trường tiêu chuẩn cao như Thái Lan, Singapore, hàng Việt Nam chịu cạnh tranh khắc nghiệt với hàng Trung Quốc và hàng công nghệ cao của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng xuất khẩu nội khối ASEAN dù có nhiều ưu đãi về thuế quan và thuận lợi về mặt địa lý. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu nội khối là từ các doanh nghiệp FDI mặt hàng có giá trị như điện thoại các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.
Để khai thác hiệu quả thị trường ASEAN, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại chủng loại hàng hóa cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số vào quản lý, tiếp cận thị trường cũng như giao dịch với khách hàng.
Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết ASEAN là một cộng đồng kinh tế chung nhưng có sự khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, thói quen tiêu dùng ở từng quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu cũng như các yêu cầu cụ thể của từng thị trường để có chiến lược tiếp cận hiệu quả. Đơn cử, doanh nghiệp thực phẩm nếu muốn thâm nhập thị trường các nước Hồi giáo trong khu vực trước hết phải đạt chứng nhận Halal.
Trong khi đó, ông Trương Xuân Trung, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu có thể xây dựng mạng lưới phân phối thông qua đại lý là người bản địa, như vậy sẽ dễ tiếp cận người tiêu dùng và tiết kiệm chi phí hơn so với việc mở chi nhánh.
Ở một số thị trường, mức độ khó khăn, rủi ro trong thông quan khá cao, vì vậy doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ như thương vụ Việt Nam tại nước sở tại, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ xuất nhập khẩu để cập nhật thông tin chính sách, thủ tục và thị trường một cách thường xuyên, từ đó gia tăng hiệu quả xuất khẩu.
Xuân Anh