Thứ bảy, 20/04/2024 10:01 (GMT+7)
Thứ ba, 01/03/2022 09:00 (GMT+7)

Hàng hóa 'rủ nhau' tăng giá giữa cao điểm dịch bệnh

Theo dõi KTMT trên

Theo nhiều tiểu thương, kể từ sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng lá xông hỗ trợ điều trị Covid-19 đều đã tăng giá. Nhiều người dân cũng bày tỏ lo ngại giá cả leo thang ảnh hưởng nhiều tới việc chi tiêu của người dân.

Rau xanh là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh những ngày vừa qua. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá các loại rau, củ, quả đã tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại, đặc biệt là rau ăn lá và các loại rau gia vị đã tăng giá mạnh so với cách đây vài tuần.

Theo nhiều tiểu thương, kể từ sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng lá xông hỗ trợ điều trị Covid-19 đều đã tăng giá.

Cụ thể, giá chanh tăng từ 20.000 đồng lên khoảng 30.000-40.000 đồng/kg; giá gừng tăng 10.000 đồng, lên khoảng 40.000-50.000 đồng/kg; giá sả tăng từ 10.000 đồng lên khoảng 30.000 đồng/kg; các loại lá xông như tía tô, ngải cứu, lá bưởi có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/bó…

Chị Lý, tiểu thương tại chợ Hôm Đức Viên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, số ca nhiễm F0 tại Hà Nội liên tục tăng cùng thời tiết mưa, rét ảnh hưởng đến các vụ thu hoạch khiến nguồn cung khan hiếm, vì vậy các sản phẩm hương liệu xông cũng theo đà tăng giá. “Nhiều gia đình mua các loại lá về dự trữ và xông phòng dịch. Mỗi ngày tôi bán được khoảng 50 cân gừng, sả các loại các loại,” chị Lý nói.

Hàng hóa 'rủ nhau' tăng giá giữa cao điểm dịch bệnh - Ảnh 1
Nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá. (Ảnh minh họa)

Không chỉ đắt khách tại các chợ truyền thống, mặt hàng lá xông, hương liệu tinh dầu… cũng được rao bán trên các trang mạng xã hội với mức giá dao động từ 20.000-60.000 đồng/kg, gồm nhiều loại như lá sả, vỏ bưởi, tía tô, bạc hà, quế, gừng, hương nhu...

Các sản phẩm tinh dầu hương sả chanh, bưởi, hoa hồng... kết hợp với đèn xông, máy khuếch tán tinh dầu cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng, có giá dao động từ 75.000-280.000 đồng/lọ 10ml, bên cạnh công dụng giúp cơ thể thư giãn còn giảm bớt ẩm mốc, diệt khuẩn và xua đuổi côn trùng. “Từ sau Tết, lượng khách đến các sản phẩm đã tăng gấp đôi so với ngày thường,” chị Ly-nhân viên cửa hàng Tinh dầu 100 (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Lý giải nguyên nhân, nhiều tiểu thương cho rằng, nguồn cung ứng hàng rau, củ đang bị hạn chế do thời tiết giá lạnh giảm sản lượng và nhu cầu người dân tăng cao. Nhiều người dân cũng bày tỏ lo ngại, với đà tăng giá này, giữa mùa dịch bệnh, giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng sẽ có nguy cơ tăng cao hơn nữa, ảnh hưởng nhiều tới việc chi tiêu của người dân.

Ngày hôm qua (28-2), Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 tăng 1% so với tháng 1-2022, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là những con số đã được dự báo trước, khi tháng 2 trùng với Tết Nguyên đán và giá xăng dầu tăng khá mạnh theo giá nhiên liệu thế giới. Thế nhưng với nhiều người, đây là con số đáng lo ngại bởi hai tháng đầu năm ngoái, CPI bình quân không tăng, thậm chí còn giảm 0,14% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo, tại kỳ điều hành tới (ngày 3-3), giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng theo xu thế của giá năng lượng thế giới. Áp lực tăng giá đang gia tăng.
Cuối tuần qua, Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã có cuộc họp xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đến áp lực tăng giá từ giá xăng dầu thế giới, từ áp lực lạm phát của các nước và yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp về chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất, tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá linh hoạt để bảo đảm vốn cho nền kinh tế và các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu...

Được biết, trước áp lực tăng giá, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên, các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100USD/thùng). Hiện nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Vì vậy rất cần thêm kịch bản để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Để giảm áp lực tăng giá, bên cạnh việc bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, điều hành, kiểm soát giá theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm việc “té nước theo mưa” giá các mặt hàng tiêu dùng theo giá xăng dầu. Người tiêu dùng cũng không "tiếp tay" cho các hành vi tăng giá tùy tiện của người bán hàng thiếu lương tâm bằng cách tẩy chay hàng hóa của họ. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm. Cả xã hội cùng chung tay, góp sức, chắc chắn áp lực tăng giá sẽ giảm bớt.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hàng hóa 'rủ nhau' tăng giá giữa cao điểm dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới