Hai ngọn núi lửa ở Papua New Guinea cùng phun trào, 15.000 người dân phải sơ tán
Hai ngọn núi lửa ở Papua New Guinea cùng phun trào trong một tuần khiến gần 15.000 người dân phải sơ tán.
Ngày 26/6, núi lửa Ulawan ở tỉnh Tây New Britain, Papua New Guinea bất ngờ phun trào. Hai ngày sau, núi lửa Manam trong cùng khu vực cũng hoạt động trở lại, làm chảy nham thạch xuống dốc núi, phá huỷ nhà cửa, đồn điền và nguồn nước sinh hoạt, khiến người dân không có thức ăn, nước uống. Bên cạnh đó, lượng tro bụi khổng lồ phát ra từ hai ngọn núi này còn khiến các chuyến bay bị gián đoạn.
Ngày 30/6, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, tổng cộng đã có khoảng gần 15.000 người dân phải sơ tán và trú ẩn trong các trung tâm tị nạn.
Hai ngọn núi lửa ở Papua New Guinea cùng phun trào trong một tuần khiến gần 15.000 người dân phải sơ tán. Ảnh: AFP. |
Theo các chuyên gia, tro núi lửa đã phủ kín khu vực. Với kích thước siêu nhỏ, dạng tinh thể như thuỷ tinh, chúng có thể làm tổn thương phổi của con người, gây bệnh hoặc thậm chí là tử vong. Nếu mưa không rửa trôi số tro bụi này thì toàn bộ cây lương thực của người dân cũng sẽ bị hư hỏng nặng.
Ông Jordan Sauba - người dân trên đảo Manam chia sẻ với các phóng viên: "Chúng tôi không còn nơi nào để đi, nhà của tôi đã bị vùi lấp dưới tro và đá".
Ông Udaya Regmi - người đứng đầu IFRC tại Papua New Guinea thông báo với tờ Reuters, hội chữ thập đỏ quốc gia, chính quyền tỉnh, trung tâm thảm hoạ tỉnh và lực lượng cứu hộ đã chuyển hàng tiếp tế khẩn cấp đến nơi trú ẩn của người dân. Tuy nhiên, chưa thể xác định được chính xác thời điểm người dân có thể quay về nhà của họ.
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape đã đến thăm nơi trú ẩn của người tị nạn Ulawun ở tỉnh West New Britain vào ngày 30/6. Trước đó, ông cho biết sẽ huy động lực lượng quốc phòng đến trợ giúp khu vực này.
Ông Steve Saunders - nhà khảo sát trắc địa chính tại Đài quan sát núi lửa Rabaul cho biết, theo dự báo, Manam sẽ tiếp tục phun trào với dòng dung nham hoạt động từ đỉnh núi đến biển.
"Vệ tinh đang theo dõi khí và nhiệt độ. Chúng tôi thường xuyên giám sát biến dạng để xem xét về các khả năng có thể xảy ra" - ông Saunders cho biết thêm.
Diệu Anh (TH)