Hải Dương: Không tổ chức hội, chỉ tổ chức 4 lễ trong năm 2022
Năm 2022, UBND tỉnh Hải Dương không tổ chức hội mà chỉ tổ chức làm 4 lễ; Lễ Cáo Yết ở Đền Kiếp Bạc, lễ tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc và lễ giỗ của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang.
Liên quan đến việc tổ chức lễ hội đầu xuân năm 2022, trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường. ông Nguyễn Trường Thắng- Phó Giám đốc Sở văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác phòng dịch tại các điểm lễ hội cũng đảm bảo tốt, chỉ mất mấy ngày gần tết thì có hơi đông thôi, còn những ngày này thì cán bộ công nhân viên chức đã vào làm việc rồi cho nên những ngày trong tuần cũng chỉ có người dân đi lễ thôi lên cũng vắng. Theo văn bản của Bộ ban hành trước tết nguyên đán xuống, Sở cũng ban hành văn bản chỉ đạo tới các huyện, thị. Đồng thời cũng cho cán bộ đi thanh kiểm tra luôn.
"Năm 2022, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, ubnd tỉnh chỉ tổ chức làm 4 lễ chứ không tổ chức hội; ngày mùng 10 tháng giêng tổ chức lễ Cáo Yết ở Đền Kiếp Bạc, ngày 16 tháng giêng làm lễ dâng hương tưởng niệm 688 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, ngày 17 tháng giêng làm lễ tế trên núi ngũ nhạc và đến ngày 23 tháng giêng làm lễ giỗ của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Vì dịch bệnh lên không tuyên truyền rộng rãi không làm phần hội, cắt bỏ hết những hội gói bánh trưng, bánh giày, văn nghệ…chỉ làm lễ thôi", ông Thắng thông tin.
Sáng 17/2 (17 tháng giêng âm lịch), Ban Tổ chức các nghi lễ mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2022 tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc. Tại buổi lễ gồm có các ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; ông Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng nhân dân và du khách.
Buổi lễ được thực hiện chu đáo, trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống và bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, việc trang trí khánh tiết được Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị chu đáo.
Từ 7h30, đoàn tế lên núi Ngũ Nhạc. Do không tổ chức các phần hội để bảo đảm an toàn dịch bệnh nên một số nghi thức đã được rút gọn. Đoàn tế dâng hương tại núi Ngũ Nhạc, Bắc Nhạc miếu. Tại Trung Nhạc miếu, đoàn cử hành nghi lễ tế trời đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bệnh tật tiêu trừ.
Kết thúc lễ tế, lãnh đạo tỉnh phát ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và du khách. Ngũ cốc gồm 5 loại hạt do Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị gồm: thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng, ứng với thổ, kim, mộc, hỏa, thủy trong ngũ hành. Theo thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh, ngũ cốc là tinh túy, cao quý nhất trong các loại hạt để nuôi sống muôn loài. Ngũ cốc là vật phẩm linh thiêng dâng cúng tế Phật, lễ thánh, trời đất.
Được biết, núi Ngũ Nhạc nằm ở phía đông bắc chùa Côn Sơn cao 238 m, trải dài từ bắc xuống nam. Ngũ Nhạc có 5 đỉnh, mỗi đỉnh có 1 miếu thờ thần tự nhiên là Ngũ Phương Ngũ Lão Quân (Thanh Đế ở phương đông, Bạch Đế ở phương tây, Hắc Đế ở phương bắc, Xích Đế ở phương nam và Hoàng Đế ở trung tâm). Các miếu mang chức năng quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Trong tín ngưỡng dân gian, tế trời đất tại núi Ngũ Nhạc là để cầu phúc, tránh họa, mong cho phong đăng, hòa cốc, quốc thái dân an.
Huy Tưởng