Hà Tĩnh phát hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người”
Ngày 13/9, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa phát hiện một bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore - căn bệnh do vi khuẩn ăn mòn cơ thể con người, có thể gây tử vong trong vài ngày.
Theo đó, bệnh nhân Đặng Xuân H. (61 tuổi, trú ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II. Ngày 9/9/2019, bệnh nhân bị sốt cao liên tục, ngón 2 bàn chân phải có khối áp-xe sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi.
Trong quá trình điều trị tại khoa, bệnh nhân có diễn biến nặng dần: Sốt cao, rét run, huyết áp tụt. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).
Mặc dù được điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp, nhưng bệnh nhân đáp ứng chậm với quá trình điều trị, vẫn sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng do vậy bệnh viện đã tiến hành làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Vi khuẩn whitmore làm hoại tử chân người đàn ông ở Hà Tĩnh |
Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?
Bác sỹ Võ Hoài Nam - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Bệnh nhân H. có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải mà vẫn làm việc đồng áng. Việc tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập qua vết loét mà không biết.
Cũng theo bác sỹ Nam: Bệnh whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Bệnh whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ là một vết xây xát nhỏ nhưng khi được tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn whitmore thì nguy cơ bạn bị nhiễm trùng, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày, bác sỹ Nam cho biết thêm.
Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị lây nhiễm. Do vậy người dân khi lao động, sinh hoạt tiếp xúc trực tiếp với bùn đất, đặc biệt môi trường sau mưa lũ cần phải có các biện pháp phòng hộ như đi ủng, tất ni lông… Đặc biệt những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.
Hiện nay whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó những biện pháp phòng tránh trên mặc dù rất căn bản nhưng chúng ta không được chủ quan, bác sỹ Nam khuyến cáo.
Trước đó, đầu tháng 8, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân mắc căn bệnh whitmore khá hy hữu. Bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore "ăn" cánh mũi.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, từ 5 – 10 năm mới có khoảng 20 ca mắc whitmore. Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh này. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 8 đã ghi nhận 12 ca mắc whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Bệnh Whitmore là căn bệnh do vi khuẩn ăn mòn cơ thể con người gây ra, có thể gây tử vong trong vài ngày |
Đặc điểm lâm sàng của bệnh
- Triệu chứng phổ biến nhất của Whitmore xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ (áp xe phổi).
- Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp.
- Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.
- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây áp xe ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân.
- Bệnh có thể lan toả từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành một hình thái Whitmore mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.
- Whitmore cũng có thể lây lan từ người sang người.
Cách phòng ngừa bệnh Whitmore
- Những năm gần đây, số ca mắc bệnh Whitmore được báo cáo không ngừng tăng, cao điểm thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7 - tháng 11. Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị tấn công.
- Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.
Mai Anh