Cảnh giác với bệnh tay chân miệng ở trẻ em mùa tựu trường
Những ngày đầu tháng 9, các cấp học trong cả nước đã bắt đầu bước vào năm học mới. Đây cũng là thời điểm mà theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một số dịch bệnh trong trường học, nhất là tay chân miệng (TCM) có nguy cơ bùng phát.
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh và rộng. Vì vậy, nếu trẻ được phát hiện sớm thì cần được chữa trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết bệnh TCM
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng: Trong môi trường sinh hoạt ở trường học, chỉ cần một trẻ bị bệnh TCM, những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Đối tượng mắc TCM thường ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là dưới 3 tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu biết bò, trườn, đi, tập ăn dặm... nên tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh. Đến lúc đi trường mẫu giáo, trẻ sinh hoạt cùng với bạn đồng trang lứa, nguy cơ lây nhiễm thuận lợi hơn.
Cảnh giác với bệnh chân tay miệng mùa tựu trường. Ảnh minh họa |
Dấu hiệu điển hình của bệnh TCM bao gồm: Sốt có thể từ 1 - 3 ngày hay 5 - 7 ngày tùy từng diễn biến của bệnh, sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng; Kèm theo nổi nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn và nổi rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối, bẹn hay bên ngoài bộ phận sinh dục,... Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc...
Biến chứng nguy hiểm của TCM
Bệnh TCM thường không phát triển những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh thường nhẹ, và gần như tất cả bệnh nhân hồi phục từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, một người bị nhiễm bệnh vẫn có thể bị biến chứng sang viêm màng não virus (đặc trưng bởi sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng) và có thể cần phải nhập viện trong một vài ngày. Biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bệnh bại liệt như tê liệt hoặc viêm não (viêm não), có thể gây tử vong.
Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh và rộng. Ảnh minh họa |
Các bác sĩ cũng khuyến cáo: Khi trẻ bị nhiễm TCM, không nên bôi các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc lên các mụn nước hay vết lở loét của trẻ. Bởi có thể trẻ không những bị dị ứng, ngộ độc thuốc khiến bệnh nặng thêm mà công tác chẩn đoán bệnh trạng của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn, dễ trở thành dịch...
Bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hoá khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus
Cách phòng chống
Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ lưu ý 5 biện pháp. Thứ nhất, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Cả người lớn và trẻ em cần thực hiện rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thứ hai, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; Không mớm thức ăn cho trẻ; Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thứ ba, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thứ tư, cách ly với người mắc bệnh: Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Nhiều người khi con có dấu hiệu mắc bệnh vẫn cố đưa trẻ đến lớp vì rất nhiều lý do, không có người trông, con đã đỡ để đưa trẻ đến trường.
Thứ năm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh: Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Minh Phương (T/h)