Hà Nội xin ý kiến Bộ NN&PTNT về quy hoạch đô thị sông Hồng
UBND TP.Hà Nội vừa kiến nghị Bộ NN&PTNT về việc xem xét, cho ý kiến đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu sông Hồng, UBND TP.Hà Nội đã có Văn bản số 1471/UBND-ĐT gửi Bộ NN&PTNT về việc xem xét, cho ý kiến đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Theo đó, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP.Hà Nội, tích hợp vào “Quy hoạch TP.Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Do đó, để có cơ sở triển khai quy trình tiếp theo, UBND TP.Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, có ý kiến thống nhất quan điểm giải quyết về quy hoạch xây dựng, thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu.
Trong đó, thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường và đê từng khu vực cũng như toàn tuyến trên nguyên tắc không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ mà nghiên cứu hệ thống cốt nền dọc bờ sông phù hợp, không gây cản lũ…
Quy hoạch xây dựng dành không gian cho giao thông trong không gian thoát lũ (từ đê tới đê hiện có): Giải pháp cụ thể về các tuyến đường, cầu, cửa khẩu qua đê sẽ theo từng đoạn tuyến, dự án đầu tư theo đúng thỏa thuận và yêu cầu quản lý của ngành giao thông vận tải và nông nghiệp.
Thành phố cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ và đê điều về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư để xác định rõ được tồn tại bảo vệ hay cần di dời làm căn cứ để lựa chọn giải pháp quy hoạch. Cụ thể với 2 khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề.
Các khu dân cư ở các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cần bổ sung danh mục theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều.
Ngoài ra, 3 khu bãi sông chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch phòng chống lũ và đê điều và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gồm: Hoàng Mai - Thanh Trì; Đông Du-Bát Tràng; Kim Lan-Văn Đức theo như giải pháp quy hoạch phân khu.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể về cơ sở xác định ranh giới, quy mô, diện tích đất bờ sông, diện tích bãi nổi thuộc bãi sông Hồng và phương án nghiên cứu đề xuất cụ thể trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất do Hà Nội đề xuất.
Cũng theo UBND TP.Hà Nội, đồ án Quy hoạch phân khu do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định, đã nhận được góp ý của chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương, đơn vị liên quan. Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Tờ trình số 97-TTr/BCS ngày 24/2/2021.
Được biết, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội. Tinh thần chung của quy hoạch lần này là xây dựng theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ chia sẻ: “Nếu quy hoạch tốt hai bờ sông Hồng sẽ tạo ra hệ sinh thái đô thị xanh có cảnh quan khác biệt, không chỉ tạo không gian kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường sống, tạo ra nhiều việc làm cho người dân Hà Nội”.
Dưới con mắt của một kiến trúc sư nhiều năm làm việc tại nước ngoài, Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Chủ tịch HTT Group nhận định: “Đồ án đã đề cập đến không gian xanh là thỏa đáng, đề cập đến vùng trũng để phòng ngừa thoát lũ, tuy nhiên phải tạo giá trị cho dòng sông: Không gian xanh; dòng nước; không gian kiến trúc ven sông để tạo thành mặt tiền cho TP.Hà Nội mà từ đó tới nay đã bị lãng quên. Ở các nước trên thế giới cũng xây dựng khu đô thị ven sông, đô thị này khác đô thị khác là ở giá trị ở dòng sông đó. Những điểm nhấn dọc hai bên sông là điều cần quan tâm nhiều”.
Thùy Linh